Làm sao để sống an lạc?

Một khi mình đã tận tâm chu đáo cho những điều đó, bằng hết khả năng mình, điều còn lại, hãy để số phận. Có như vậy, ta mới sống được nhẹ nhàng và an lạc!

Thông tin về vụ cháy nhà chung cư làm 14 người tử vong, làm cho tôi bàng hoàng. Dẫu câu chuyện về sinh tử là chuyện thường tình trong cuộc sống, có sinh thì có tử, nhưng câu chuyện ở đây là những cái chết thương tâm. Điều này, làm tôi nhớ đến vụ việc tương tự ở một chung cư mini, làm 54 người thương vong, cách đây chưa đầy một năm.

Điều tôi muốn nói ở đây, không chỉ là cái chết của những vụ cháy nhà, mà tôi muốn nói về một đời sống hiện hữu đầy vô thường của cuộc sống hiện tại. Xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển mình từ một ngôi làng trở thành một thành phố - ý tôi muốn nói là quá trình từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp phát triển, đương nhiên, đi liền với quá trình đó là vô vàn những vấn đề xảy đến. Trường hợp chết tập thể ở những ngôi nhà chung cư, khu chung cư mini là một trong những vấn đề đáng được quan tâm sát sao.

Cuộc đời con người, dẫu rằng sống chết có số, không ai có thể dự đoán được sinh mệnh mình sẽ trở về đất mẹ khi nào, vì cuộc sống luôn có những điều bất ngờ, bất thường xảy đến. Như một sinh viên đi làm thêm bằng nghề chạy xe ôm, không thể nào biết được rằng mình sẽ bị cướp giết người lấy của.

Cũng như một người không thể hình dung được, rằng chuyện bị người yêu giết rồi phân xác, phi tang. Hay như câu chuyện về một người kê ghế thắp nhang cho bàn thờ, ngờ đâu ghế trượt, té ngửa, va đầu xuống nền nhà, tử vong.

Cái chết luôn hiện diện bên cạnh sự sống, mỗi ngày. Nếu như ngày xưa, ta sống trong một ngôi làng bé nhỏ, quanh năm chỉ biết những câu chuyện, những thông tin liên quan đến ngôi làng là chính, thì việc mỗi năm có một người chết, hoặc vài năm mới có một người chết, là bình thường. Nhưng với đời sống thông tin hiện đại ngày nay, mỗi ngày ta đọc đâu đó về vô khối thông tin về những cái chết, cái chết xảy đến mỗi ngày.

Con người chết do rất nhiều nguyên nhân, nào là chiến tranh, bệnh tật, tai nạn, ẩu đả, sát hại. Thông tin về cái chết nhiều đến mức, nhiều người bị ám ảnh đến độ không dám ăn, không dám đi xe ngoài đường. Vì bất cứ cái gì cũng ngầm ẩn khả năng xảy ra cái chết.

Có lẽ, đó cũng là mặt trái của thời buổi công nghệ, là gieo rắc nỗi sợ nơi con người. Khi chúng ta càng biết nhiều thông tin hơn, không những giúp chúng ta có hiểu biết hơn, mà còn gây cho chúng ta sự hoang mang, sợ hãi.

Câu chuyện về những vụ việc xảy ra những cái chết lãng nhách, hoặc là bị tai nạn giao thông liên hoàn gây ra, và hệ lụy của nó, do người điều khiển phương tiện giao thông dùng rượu - bia quá nồng độ cồn, hay tài xế dùng chất ma túy, trở thành nỗi ám ảnh thường trực với một số người. Họ sợ hãi đến mức không dám đi xe, không dám tham gia giao thông. Bởi, dù họ có cẩn thận đến đâu, thì tai nạn vẫn ập đến với họ, vào bất cứ lúc nào.

Có một lần, tôi nghe một người cô chia sẻ, vì sao cô không dám đi xe. Những nguyên nhân khách quan kia, làm cho tâm lý cô cảm thấy không yên tâm, khi điều khiển bất cứ phương tiện nào, kể cả xe đạp. Vậy nên, mỗi lần đi chợ, cô đều nhờ chồng chở đi.

Nhưng làm sao con người có thể tránh khỏi số phận, khi bạn đang ngồi ăn cơm trong nhà, thì bỗng dưng chiếc xe tải đâm sầm vào nhà, tông cả gia đình, nhà sập, người chết. Cuộc sống này, chúng ta không thể lường trước được hết cái biến cố bất ngờ có thể xảy đến.

Trở lại câu chuyện về cái chết của những người trong căn hộ chung cư, liệu chúng ta có thể lường trước được chăng? Câu trả lời là rất khó. Bởi nhiều lý do.

Trong một đô thị rộng lớn như Hà Nội, việc quy hoạch một cách tổng thể, có tầm nhìn dài hạn, làm sao để tránh bớt tình trạng “chung cư khép kín thiếu lối thoát”, là điều cần nên suy xét. Tuy nhiên, với việc phát triển tự phát các mô hình nhà chung cư, nhằm đáp ứng nhu cầu ở của “cơn sóng di dân” từ quê lên phố, là điều không thể không. Vấn đề đặt ra, là làm sao để cân bằng giữa nhu cầu thực tế và những quy hoạch tổng thể.

Trước khi bài toán đó được giải đáp, thì hằng ngày, chúng ta phải sống trong những căn hộ chung cư thiếu đảm bảo an toàn, bởi vì nhu cầu thực tế luôn luôn lớn của người dân từ quê lên phố. Chúng ta sống trong một trạng thái tâm lý không hề an lạc, dù đã an cư!

Với sự đô thị hóa như ngày nay, con người phải đối diện với vô vàn “điều bất thường” có thể xảy đến bất cứ lúc nào, từ những căn hộ, từ những con đường, từ những loại thực phẩm ta ăn hằng ngày. Tất cả những thứ đó, làm cho chúng ta không thể nào hoàn toàn an tâm, thì làm sao để sống an lạc?

Có chăng, điều cần thiết trong mỗi chúng ta, là luôn cảnh giác cho mọi tình huống bất ngờ, với bất cứ lĩnh vực nào. Một khi mình đã tận tâm chu đáo cho những điều đó, bằng hết khả năng mình, điều còn lại, hãy để số phận. Có như vậy, ta mới sống được nhẹ nhàng và an lạc!

Bởi một lý do rất giản đơn: Ta không thể nào biết được điều gì sẽ xảy đến với mình. Mà cuộc sống hiện đại ngày nay, thì vô vàn điều có thể xảy đến!...

Hà Hương Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lam-sao-de-song-an-lac-a665129.html