Làm sao để tăng khởi kiện?
Rất nhiều người dùng từng trải qua sự cố vừa mua vé máy bay đã bị các hãng taxi gọi điện nhắn tin, làm phiền. Nhưng các hãng bay hoặc đại lý của họ - những nơi không bảo mật thông tin khách hàng, chưa bao giờ bị kiện ra tòa. Đây là một trong ví dụ nổi bật cho thấy, khiếu kiện để tự bảo vệ lợi ích của mình vẫn chưa phải là một lựa chọn phổ biến của người tiêu dùng? Vì sao lại như vậy?
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành quy định 4 phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên số lượng người tiêu dùng lựa chọn các giải pháp tự bảo vệ vẫn hạn chế.
Số liệu từ báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết số vụ việc được giải quyết thông qua trọng tài và tòa án rất ít.
Trong khi đó, số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng - khoảng 1.500 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020 theo số liệu của Bộ Công thương (và số liệu này còn bị cho là nhỏ hơn đáng kể so với thực tế!).
Phương thức thương lượng, hòa giải được sử dụng phổ biến hơn, chiếm 80%. Tuy nhiên, kết quả thương lượng, hòa giải nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực thi do giá trị pháp lý của biên bản thương lượng, hòa giải thành không cao.
Số lượng vụ việc ra tòa đã ít, các vụ việc do hội đại diện cho người tiêu dùng về các vụ án công cộng càng hiếm hoi, chỉ có 1 đến 2 vụ trong suốt 10 năm qua.
Vì sao tòa án không phải lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng, kể cả khi mình bị thiệt hại. Các lý do chính được nêu ra gồm: thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc lâu, chi phí cao trong khi lợi ích tiền bạc của các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông thường là thấp.
Những thực tế nêu trên cần phải được xem xét khi sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước hết là những điều khoản không thể thi hành hoặc bất lợi cho người tiêu dùng. Ví dụ, Điều 41 quy định về áp dụng thủ tục đơn giản để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này không thể áp dụng do Bộ luật Tố tụng dân sự không có quy định phù hợp.
Hoặc luật quy định điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với người bán hàng là đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ, chứng cứ đầy đủ. Tuy nhiên trên thực tế, khi có vi phạm, bên bán thường né tránh, thoái thác trách nhiệm, hoặc có trường hợp khi phát hiện có vi phạm thì hàng hóa không còn giữ nguyên vẹn, hóa đơn mua hàng không còn, hoặc các trang bán hàng trên internet không còn tồn tại… Như vậy, rất khó cho người tiêu dùng nếu muốn áp dụng thủ tục rút gọn.
Vấn đề thứ 3 là hiệu quả của các tổ chức đại diện tập thể cho người tiêu dùng. Việc có quá ít hội được đại diện và thực thi chức năng đại diện lợi ích tập thể đã triệt tiêu cơ chế có thể nói là quan trọng nhất để bảo vệ người tiêu dùng. Như đã nói, khi vi phạm của doanh nghiệp gây thiệt hại nhỏ, cá nhân riêng lẻ sẽ không có động lực kiện vì lợi ích thu được không đủ bù chi phí. Nhưng tập hợp số lượng vụ việc có khi lên đến con số hàng trăm nghìn, hàng triệu người bị xâm phạm - như vụ việc lộ thông tin máy bay nêu trên, lại là vấn đề lớn. Tuy nhiên, vấn đề này không nằm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà nằm ở Nghị định quy định về thành lập hội. Nghị định này - cụ thể là quy định về tôn chỉ, mục đích và yêu cầu mỗi lĩnh vực chỉ được có 1 hội, đang hạn chế khả năng lập hội.
Có thể nói, sau 12 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Thách thức trong sửa luật lần này để giải quyết những vấn đề nêu trên rõ ràng là rất lớn!
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-de-hom-nay/lam-sao-de-tang-khoi-kien-i298390/