Làm sao tăng sức hút nhóm ngành khoa học đặc thù?
Vài năm trở lại đây, bên cạnh nhiều ngành mới có điểm trúng tuyển cao, không ít ngành khoa học đặc thù lấy điểm đầu vào rất thấp.
Việc nhóm ngành này dần mất sức hút với thí sinh kéo theo nỗi lo về chất lượng, số lượng nhân lực. Các trường đã và đang làm gì để vực dậy, tạo sức hút?
Điểm chuẩn thấp bất ngờ
Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận điểm trúng tuyển thấp bất ngờ ở không ít trường đào tạo khối ngành khoa học đặc thù. Phổ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 của nhiều ngành chỉ xoay quanh mức 15 - 16 điểm nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Ghi nhận sơ bộ ở khối trường Nông - Lâm nghiệp có thể thấy điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1, cũng như điểm xét tuyển bổ sung rất thấp ở hàng loạt ngành đào tạo. Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy điểm chuẩn vào các khối ngành chuyên về trồng trọt và bảo vệ thực vật (Nông nghiệp, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật), nhóm ngành chăn nuôi và thú y là 15 điểm.
Ở Trường ĐH Lâm nghiệp, điểm trúng tuyển khối ngành Lâm nghiệp như: Lâm sinh, Lâm học, Kiểm lâm, Khoa học cây trồng, Quản lý tài nguyên rừng, Bảo vệ thực vật… chỉ 15 điểm. Tương tự, điểm chuẩn các ngành như Kinh tế nông nghiệp, Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Lâm sinh tại Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) ở mức 15 điểm.
Ở khối ngành Môi trường và Thủy sản, Công nghệ thực phẩm điểm trúng tuyển cũng không khá hơn. Hàng loạt ngành đào tạo như Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, Quản lý khoáng sản, Quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Địa chất học, Khí tượng và khí hậu học, Thủy văn học, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững… ở Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM chỉ 15 điểm là có thể vào học.
Dù điểm chuẩn thấp gần như chạm đáy nhưng hầu hết cơ sở GD đều phải thông báo tuyển bổ sung từ vài trăm đến cả nghìn chỉ tiêu.
ThS Trần Quang Huy - Trưởng phòng Quản lý sinh viên, Trường Đại học Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) - cho biết: 2 - 3 năm gần đây khối ngành khoa học đặc thù thuộc nhóm Nông – Lâm - Thủy sản luôn đối mặt khó khăn dù các trường thực hiện nhiều giải pháp trong việc hỗ trợ thí sinh học tập, tặng học bổng, kết nối đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, thậm chí là làm mới tên ngành…
“Định kiến học ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp hay Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản sau này ra trường sẽ vất vả của nhiều phụ huynh khiến con em của họ bỏ qua nhóm ngành học trên. Ở Trường ĐH Tân Trào vài năm gần đây lượng sinh viên theo đuổi những ngành này khá ít nên trường không đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN). Nhiều DN thậm chí còn đặt hàng tuyển dụng sinh viên ngay từ khi chưa tốt nghiệp nhưng đành bỏ qua cơ hội trên vì ít sinh viên. Chúng tôi cảm thấy rất tiếc cho sinh viên”, ông Huy cho biết.
Làm sao để tạo sức hút?
PGS.TS Vũ Huy Đại - Viện trưởng Viện Công nghiệp gỗ - nhìn nhận nhu cầu nhân lực ngành gỗ của các DN rất lớn, nhưng vấn đề nằm ở chỗ lượng sinh viên theo học ngành này tại các trường có đào tạo ngành Lâm nghiệp ngày một ít. Theo PGS.TS Vũ Huy Đại, đây là điều mà các trường cần phải nghiêm túc nghiên cứu, có sự phối hợp đồng bộ với nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là đảm bảo được hệ số đào tạo cân bằng với nhu cầu và đòi hỏi của thị trường.
“Sự tụt lại của nhóm ngành khoa học đặc thù trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, khoa học kỹ thuật là điều không khó hiểu. Vấn đề là các trường cần có giải pháp cụ thể ngoài truyền thông, hỗ trợ người học cần phối hợp với các bộ, ngành để có thống kê hoặc một chiến lược nhân lực tầm quốc gia mới mong giải quyết được sự sụt giảm sức hút hiện nay với thí sinh”, PGS.TS Vũ Huy Đại nói.
Thực tế, nhóm ngành khoa học đặc thù mất sức hút với thí sinh các trường đều nhìn thấy. Nhiều trường còn triển khai rất mạnh mẽ và quyết liệt nhiều giải pháp để hút thí sinh.
Theo NGND.GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, nhà trường đã và tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo với ngành học đặc thù; xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho người học và đảm bảo việc làm phù hợp dựa trên năng lực học tập của người học.
Song song đó, trường gia tăng số lượng học bổng toàn phần, học bổng bán phần có sự tham gia của DN; hỗ trợ nhà ở trong ký túc xá cho sinh viên có kết quả xét tuyển đầu vào dựa vào điểm thi THPT đạt loại xuất sắc, loại giỏi.
“Để tạo thêm sức hút và chất lượng đào tạo, trường đã đẩy mạnh liên kết với DN trong triển khai học kỳ doanh nghiệp nhằm tăng cường kỹ năng thực tế cho người học, tăng cường cơ hội tiếp cận việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Lựa chọn sinh viên có năng lực để bố trí tham gia các đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trong trường; đầu tư tối đa để các em tham gia các dự án khởi nghiệp sáng tạo, từ đó có thể khẳng định được bản thân ngay sau khi tốt nghiệp”, GS Chứ nói.
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cũng cho rằng, để thay đổi và gia tăng sức hút nhóm ngành khoa học đặc thù với thí sinh, các trường cần có chính sách đồng bộ.
“Tôi cho rằng, ngoài việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, gia tăng sức hút vị trí công việc bằng bài toán tài chính thì công tác truyền thông, hướng nghiệp của nhà trường cần phải có sự song hành của các DN đang “khát” nhân sự nhóm ngành trên. Bởi sự nỗ lực thay đổi từ các trường không là chưa đủ, mà cần phải có sự đồng hành từ các DN”, TS Trần Đình Lý nói.
Thời gian qua, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với DN để tham gia sâu vào công tác tư vấn, dẫn chứng vị trí công việc bằng thực tế sản xuất, nghiên cứu, mức lương, nhu cầu tuyển dụng… cho thí sinh khi tham gia tìm hiểu ngành nghề tại trường. Qua các hoạt động cụ thể trên, chúng tôi hy vọng xóa được những hiểu lầm, nghi ngại và tính thực dụng của giới trẻ. Chúng ta phải cho các em thấy giá trị, sự vinh quang của nghề nghiệp mà mình chọn lựa, theo đuổi mới mong vực dậy, tạo sức hút cho nhóm ngành khoa học đặc thù. - TS Trần Đình Lý