Làm sao tránh hình thức khi lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo văn bản

Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), để bảo đảm tính khả thi của văn bản khi thi hành, các cơ quan nhà nước phải tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của nhân dân, của đối tượng trực tiếp chịu tác động. Sự tham gia này là rất quan trọng và được Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định bắt buộc nhưng thực tiễn 3 năm qua vẫn còn nhiều hạn chế.

Chưa quy định cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến

Luật năm 2015 có nhiều quy định tiến bộ, cụ thể về việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo VBQPPL. Chẳng hạn, Điều 7 bước đầu quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì lấy ý kiến và cơ quan, tổ chức tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL. Luật năm 2015 cũng đã quy định cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và đăng tải nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử đã đăng tải dự án, dự thảo để lấy ý kiến. Khoản 1 Điều 57 và Điều 91 của Luật năm 2015 thì quy định tại “trong thời gian dự thảo đang được lấy ý kiến, nếu cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý lại dự thảo văn bản mà khác với dự thảo đã đăng tải trước đó thì phải đăng lại dự thảo văn bản đã được chỉnh lý”.

Tuy nhiên, Luật chưa quy định cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến, tham gia góp ý kiến và trách nhiệm giải trình, phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình này; chưa quy định rõ thời điểm, thời hạn đăng tải tài liệu này và việc cập nhật nội dung giải trình, tiếp thu khi thời hạn lấy ý kiến là tương đối dài. Khoản 1 Điều 57 và Điều 91 chỉ được quy định đối với việc lấy ý kiến dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và dự thảo nghị định của Chính phủ. Trong khi đây là một trong những quy định mới, quan trọng góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình soạn thảo VBQPPL.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, GS.TS Trần Ngọc Đường bình luận, Luật năm 2015 chưa thể hiện đầy đủ vai trò của nhân dân trong hoạt động lập pháp. Cụ thể, vai trò của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều đã được thể hiện trong hầu hết các công đoạn của quy trình lập pháp từ việc hình thành các đề nghị xây dựng các VBQPPL, hình thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm đến việc soạn thảo, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh trước khi Quốc hội xem xét thông qua. Tuy nhiên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một chủ thể có thẩm quyền giám sát và phản biện xã hội trong hoạt động xây dựng pháp luật mà Hiến pháp năm 2013 ghi nhận thì Luật Ban hành VBQPPL lại chưa quy định.

Tổ chức phiên điều trần về dự án luật, pháp lệnh

Cũng theo ông Đường, nhân dân với tư cách là công dân có các quyền dân chủ trực tiếp cũng cần phải được thể chế trong hoạt động lập pháp của Nhà nước. Vì vậy, cần phát huy vai trò của nhân dân trong hoạt động lập pháp, trong tất cả các giai đoạn của quy trình lập pháp cần có quy định vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời thu hút thực chất nhân dân tham gia vào hoạt động lập pháp,

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, GS. TS Hoàng Thế Liên ghi nhận Luật hiện hành đã có quy định bắt buộc phải lấy ý kiến của nhân dân, của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách pháp luật. Nhưng ông Liên cho rằng, do còn thiếu nhiều điều kiện như thời gian, kinh phí, thông tin cộng với sự bất cập trong ý thức và năng lực của đội ngũ hoạch định chính sách nên quy định này được thực hiện chưa tốt, thậm chí là còn hình thức, chiếu lệ cả trong tổ chức lấy ý kiến lẫn trong tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân.

“Điều đó đồng nghĩa với việc chưa coi trọng ý kiến của nhân dân, tiếng nói của nhân dân trong hoạch định chính sách pháp luật còn yếu ớt. Trong khi đó, yêu cầu hàng đầu của Nhà nước pháp quyền là pháp luật phải được tạo dựng bằng con đường dân chủ, thực sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân” – ông Liên nhấn mạnh.

Do đó, ông Liên đề xuất tới đây phải sửa đổi, bổ sung cơ chế pháp lý hữu hiệu để thực hiện vấn đề quan trọng này theo hướng tạo dựng cơ chế bảo đảm việc lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách pháp luật trong giai đoạn dự thảo văn bản một cách thực chất. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc lấy ý kiến của cử tri ở khu vực bầu cử về dự án luật, pháp lệnh. Quy định này vừa tạo thêm một kênh quan trọng để nhân dân góp ý kiến, vừa giúp đại biểu Quốc hội nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân để nói lên tiếng nói của nhân dân tại nghị trường.

Đáng chú ý, nguyên Thứ trưởng kiến nghị, cần có quy định về tổ chức phiên điều trần về dự án luật, pháp lệnh ở giai đoạn thẩm tra. Phiên điều trần được tổ chức công khai và mở rộng. Thành phần tham gia phiên điều trần, ngoài các đại diện của các cơ quan nhà nước, đại diện cử tri, các tổ chức xã hội, nhân dân có quyền dự. Tại phiên điều trần, cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh có trách nhiệm trả lời các câu hỏi của bất cứ ai tham gia phiên điều trần, cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến dự án luật, pháp lệnh. Qua phiên điều trần, các cơ quan có trách nhiệm trong ban hành văn bản sẽ trực tiếp nhận được nhiều ý kiến từ nhân dân.

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/lam-sao-tranh-hinh-thuc-khi-lay-y-kien-nhan-dan-vao-du-thao-van-ban-463283.html