Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Xin-ga-po

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Xin-ga-po Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 24-3.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng trong mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, khẳng định Xin-ga-po coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam. Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long là dịp để hai bên trao đổi các phương hướng chiến lược, biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược trong thời gian tới, bắt kịp với những chuyển biến nhanh chóng hiện nay của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ lẫn nhau phát triển bền vững, thịnh vượng, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: IndiaExpress.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Xin-ga-po được cả hai bên quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ, tạo ra những kết quả thiết thực. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 1-8-1973. Kể từ năm 1991, đặc biệt từ khi Việt Nam là thành viên ASEAN (1995), quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Năm 2004, hai nước đã ký "Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21", tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Tháng 9-2013, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Xin-ga-po.

Xin-ga-po hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 6 trên thế giới với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD. Xin-ga-po là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 ở Việt Nam với tổng số vốn lên tới 39 tỷ USD. Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Xin-ga-po, đã hoạt động được hơn 11 năm với 7 khu: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh, VSIP 4 tại Hải Phòng; VSIP 5 tại Quảng Ngãi; VSIP 6 tại Hải Dương và VSIP 7 tại Nghệ An.

Trong lĩnh vực quốc phòng, hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (tháng 9-2009); trao đổi nhiều chuyến thăm cấp Bộ trưởng. Các cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và nhóm làm việc chung về quan hệ quân sự-quốc phòng thường xuyên được tổ chức. Xin-ga-po tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo về chỉ huy tham mưu, ngoại ngữ, không quân, hải quân, tàu ngầm. Hai bên đã ký Thỏa thuận về chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự và Thỏa thuận về cứu hộ tàu ngầm tháng 9-2013. Xin-ga-po cũng đang tích cực hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho các cán bộ quốc phòng Việt Nam.

Xin-ga-po và Việt Nam vẫn luôn hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế như: ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc (LHQ). Xin-ga-po cam kết ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ) nhiệm kỳ 2015-2019. Việt Nam nhất trí ủng hộ Xin-ga-po tham gia Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; Hội đồng Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế. Xin-ga-po cũng tích cực hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), xây dựng chương trình nghị sự của Năm APEC 2017. Liên quan đến các vấn đề an ninh chiến lược ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai nước tích cực hợp tác, chia sẻ quan điểm và bảo vệ lập trường chung của ASEAN.

Hợp tác giữa Việt Nam và Xin-ga-po trên các lĩnh vực khác như giáo dục-đào tạo, du lịch, tài chính, tư pháp... đều phát triển mạnh. Xin-ga-po tích cực hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực.

Việt Nam, Xin-ga-po cùng là thành viên của ASEAN, cùng có những tương đồng về văn hóa, lợi ích kinh tế và an ninh, cùng coi trọng phát triển quan hệ song phương và cùng tin tưởng lẫn nhau trong hợp tác phát triển. Trên thực tế trong thời gian qua, quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là cơ sở để chúng ta tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ thành công tốt đẹp, tạo niềm tin mới để quan hệ hai nước ngày càng phát triển vì lợi ích của nhân dẫn mỗi nước, vì hòa bình và phát triển.

QĐND

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-xin-ga-po-502485