Làm sâu sắc hơn vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững

Ngày 28.10, phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI với chủ đề 'Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững', Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu làm sâu sắc hơn nội dung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, diễn ra trong 2 ngày từ ngày 28 - 29.10.

Kể từ Hội thảo Việt Nam học lần đầu tiên được tổ chức năm 1998, đến nay các kỳ hội thảo đều cho thấy sự nhất quán về mục tiêu nghiên cứu Việt Nam vì sự phát triển bền vững của đất nước và góp phần vào sự hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Những đóng góp quan trọng từ kết quả nghiên cứu Việt Nam học, từ các Hội thảo quốc tế Việt Nam học rất đáng trân trọng và có ý nghĩa thiết thực, nhất là trên phương diện xây dựng chính sách đối ngoại, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu làm sâu sắc hơn nội dung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như những cách tiếp cận phù hợp để đấu tranh hiệu quả với những hành vi phản văn hóa; những lệch lạc trong định hướng giá trị và hiện trạng suy đồi đạo đức.

Bên cạnh văn hóa, Việt Nam học cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, không gian mạng và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu, qua đó dự báo xu thế, đưa ra cảnh báo về các vấn đề xã hội, các biện pháp khắc phục những bất cập, mâu thuẫn mới nẩy sinh, đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Ngoài phiên khai mạc, phiên bế mạc, Hội thảo gồm 10 Tiểu ban và 1 Diễn đàn. Nội dung của các Tiểu ban tập trung vào các vấn đề quan trọng, có hàm ý chính sách cần được nghiên cứu, trao đổi và thảo luận. Chiều 28.10, đã diễn ra diễn đàn “Nghiên cứu Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng”, giới thiệu các nghiên cứu tiêu biểu về Việt Nam học trong nước và quốc tế, đánh giá vai trò, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của ngành Việt Nam học từ trước đến nay.

Đỗ Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-sau-sac-hon-vi-tri-va-vai-tro-cua-van-hoa-trong-phat-trien-ben-vung-kk5pdhdxns-65334