Làm sâu sắc, lan tỏa các giá trị di sản Hồ Chí Minh

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là hết sức quan trọng để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Du khách tham quan Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch).

Du khách tham quan Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch).

Để di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng gần gũi, dễ hiểu nhưng vẫn toát lên sự cao quý và tầm vóc lớn lao

Quần thể Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch gồm có 13 nhà di tích (Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Nhà sàn, Phòng họp Bộ Chính trị, Nhà 67, Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Bác ký sắc lệnh, Hầm H66, Hầm D1...); 1.738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà di tích; 7 di tích ngoài trời như: Ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch, đường xoài, con đường mòn, cầu gỗ qua ao… cùng 50 cây di tích là những cây Bác đem về trồng hoặc trực tiếp chăm sóc.

Với những đặc thù riêng, công tác bảo tồn Khu Di tích được thực hiện trong điều kiện như một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị.

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng cần tích cực phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong Khu Di tích về Người tại Phủ Chủ tịch; đồng thời tiếp tục quảng bá, lan tỏa nội dung, giá trị, ý nghĩa di sản Hồ Chí Minh tại nơi đây với đông đảo đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Thông qua đó làm cho di sản đặc biệt này ngày càng gần gũi, dễ hiểu nhưng vẫn toát lên sự cao quý và tầm vóc lớn lao.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn nhiệm vụ này với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân Việt Nam. Đó là cách làm cho giá trị di sản Hồ Chí Minh ngày càng thực chất và trở thành nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng mà không thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.

Để lan tỏa các giá trị di sản Hồ Chí Minh, PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, trưng bày, bảo vệ tài liệu, hiện vật ở Khu Di tích, tôn trọng tính lịch sử, tính nguyên gốc, nhất là các hiện vật, tài liệu gắn liền với Bác lúc sinh thời. Khẳng định và làm rõ hơn nữa giá trị lớn lao bản Di chúc của Bác, của Nhà sàn, Nhà 54, Nhà 67 và các di tích, hiện vật, tài liệu khác.

Đồng thời, nghiên cứu, đổi mới một cách hợp lý việc trưng bày, giới thiệu, thuyết minh, tương tác với khách thăm viếng. Thực hiện số hóa công tác nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu, lan tỏa giá trị đặc biệt của Khu Di tích. Nâng cao chất lượng phục vụ đồng bào ta và bạn bè quốc tế đến thăm viếng Khu di tích. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở di tích quốc gia đặc biệt này.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi hội tụ và lan tỏa tấm gương về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Cần phải xem xét, đánh giá cụ thể thực trạng của Khu Di tích hiện nay so với Hồ sơ Khu Di tích đã được xây dựng trước đây, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời; để từ đó thấy được cái gì còn được bảo tồn nguyên vẹn như xưa, cái gì đã bị thay đổi và thay đổi đến mức độ nào; làm rõ nguyên nhân vì sao có sự thay đổi đó. Đặc biệt cần vận dụng các kết quả nghiên cứu qua các đề tài khoa học cấp bộ, cấp cơ sở đã thực hiện và được đánh giá nghiệm thu trong những năm qua vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn của Khu Di tích. Mặt khác cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, xác minh, tư liệu hóa các di tích, các hiện vật gắn liền với từng di tích, thực hiện việc số hóa, nhằm làm sáng tỏ hơn các giá trị của di tích và hiện vật, tạo cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và tuyên truyền - giáo dục.

“Cần hết sức quan tâm đến di sản ký ức, khai thác các câu chuyện, kỷ niệm, hồi ức của các nhân chứng lịch sử. Nếu không làm khẩn trương vấn đề này thì sẽ là một thiệt thòi lớn vì hiện nay, nhân chứng ngày càng ít đi, nhiều người không còn nữa”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ chia sẻ.

Bà Lê Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, trong 55 năm qua (1969-2024), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tầng lớp nhân dân, Khu Di tích đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tới nhân dân trong cả nước cùng kiều bào và bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, làm dày dặn, phong phú, sâu sắc, sáng tỏ, rạng rỡ hơn nữa di sản của Người.

Trong 55 năm qua, Khu Di tích của Người tại Phủ Chủ tịch đã đón gần 90 triệu người từ khắp mọi vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm.

Trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh như 30/4, 1/5, 19/5, 2/9, Khu Di tích đón hàng chục nghìn khách tham quan, có ngày cao điểm lên đến gần 35 nghìn khách.

Đặc biệt, trong tháng 5/2024, kỷ niệm lần thứ 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Khu Di tích đã đón tiếp 152 đoàn sinh hoạt chính trị với 7.321 khách, bằng 40% số lượng đoàn sinh hoạt chính trị cả năm 2023.

Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, các quần thể di tích, tài liệu, hiện vật về Người tại các nhà di tích vẫn được bảo quản giữ gìn nguyên trạng.

Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới vào công tác bảo quản, phát huy giá trị Khu Di tích tại Phủ Chủ tịch là hết sức quan trọng và vô cùng cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các đối tượng khách tham quan. Từ đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202407/lam-sau-sac-lan-toa-cac-gia-tri-di-san-ho-chi-minh-7e00d47/