Làm sống lại ký ức nhân văn

Khả năng tái tạo hình ảnh sống động của công nghệ đang mở ra chân trời mới cho bảo tồn ký ức nhân văn. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội đầy hứa hẹn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt ra thách thức không nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ sai lệch lịch sử và văn hóa.

Tái tạo hình ảnh từ quá khứ

Triển lãm video art Thăng Đường Nhập Thất đang diễn ra tại giảng đường Ngụy Như Kon Tum của tòa nhà Đại học Tổng hợp số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, là một điểm nhấn của đại triển lãm Cảm thức Đông Dương ở đây. Bức tranh kích thước 11x7m được Victor Tardieu vẽ tại giảng đường chính Đại học Đông Dương xưa không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là kho tàng lịch sử vô giá. Qua những nét vẽ tinh xảo, Victor Tardieu đã tái hiện sinh động cuộc sống của người Việt đầu thế kỷ XX.

 tranh của Victor Tardieu tái hiện sinh động cuộc sống người Việt đầu thế kỷ XX. Ảnh: HFCD

tranh của Victor Tardieu tái hiện sinh động cuộc sống người Việt đầu thế kỷ XX. Ảnh: HFCD

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, tác phẩm nổi tiếng này mặc dù được vẽ lại năm 2006 và đã được công chúng biết đến rộng rãi hơn, nhưng hành trình trở lại và những tâm tư, nỗi niềm của danh họa cách nay một thế kỷ vẫn còn nhiều bí ẩn. Khi chúng tôi nghiên cứu bức tranh, có thể nhận thấy tầm vóc của Victor Tardieu tương ứng với một sử gia đương thời. Ông đã lựa chọn thể hiện các loại trang phục, đúng với đặc điểm lứa tuổi, giới tính, địa vị xã hội, từ dân đến quan ở các thứ bậc, thậm chí còn thể hiện các ngành nghề trong xã hội, giao thông…

Nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI), công chúng giờ đây có thể chiêm ngưỡng bức tranh với màu sắc sống động và chân thực hơn bao giờ hết. Từ ảnh đen trắng gốc, tranh được xử lý qua công nghệ số, kết hợp video art và hình ảnh động của các nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải, Viên Hồng Quang. Hành trình đến sát nguyên gốc bằng sự kết hợp AI với sự phân tích dữ liệu nghệ thuật, sử học, xã hội học đã vô tình tìm được những giá trị hàm súc, thâm sâu của một thông điệp nhân văn bấy lâu dường như bị lãng quên.

Anh Viên Hồng Quang chia sẻ, việc tô màu lại bức tranh dựa trên các tác phẩm do Victor Tardieu sáng tác cùng với nghiên cứu kỹ lưỡng về trang phục, cả phẩm hàm của những ông quan, nghiên cứu dữ liệu thời điểm ấy để biết được màu sắc trang phục...

AI đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, tuy nhiên, nghệ sĩ Triệu Minh Hải chia sẻ, AI không phải là công cụ vạn năng. Để phục hồi và làm video art về tác phẩm, nghệ sĩ đã kết hợp nhiều công cụ AI khác nhau, như công cụ chuyên về lịch sử nghệ thuật hỗ trợ công cụ xử lý hình ảnh, nhằm phân tích và tái hiện một cách chân thực nhất. Cùng với sự hỗ trợ của AI, để khôi phục được tác phẩm, không thể thiếu kiến thức nghiên cứu chuyên sâu…

Tránh “ảo hóa” di sản

Từ những ứng dụng của AI với di sản thời gian vừa qua, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, với kho dữ liệu hình ảnh khổng lồ, việc nghiên cứu lịch sử thông qua hình ảnh sẽ giúp con người đương đại hiểu hơn về quá khứ. Đặc biệt, vai trò của công nghệ ngày càng được phát huy với những ứng dụng cho phép chuyển màu, chuyển hình ảnh tĩnh sang động, cho thấy sự sống động của hình ảnh. Nếu làm tốt có thể tăng giá trị di sản, nơi lưu chứa các dữ liệu giàu tính lịch sử.

 AI giúp tái tạo hình ảnh trong bức tranh một cách sống động. Ảnh: Viên Hồng Quang

AI giúp tái tạo hình ảnh trong bức tranh một cách sống động. Ảnh: Viên Hồng Quang

Với các bảo tàng nghệ thuật, tiềm năng khai thác ký ức nhân văn qua ứng dụng công nghệ khá rộng mở. Bởi bên cạnh thông tin nghệ thuật, còn là thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, khi nghệ sĩ cũng là người sản xuất tri thức bằng hình ảnh. Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, điều này khá quan trọng trong bối cảnh các bảo tàng số hóa một tác phẩm kinh điển thì có tiềm năng để làm nhiều tác phẩm phái sinh và có thể có vô vàn dữ liệu từ bức tranh đó.

Trong công nghiệp văn hóa sáng tạo, ứng dụng công nghệ như vậy có tiềm năng lớn phát triển kinh tế trải nghiệm. Ví dụ, với bức tranh Chơi ô ăn quan (danh họa Nguyễn Phan Chánh), các em bé chơi trò chơi dân gian có thể tạo nên những tác phẩm động, và trích xuất một lớp thông tin nào đó giới thiệu cho các bạn nhỏ, kết hợp chơi trò chơi thực tế. Những hoạt động như vậy không chỉ giúp bảo tồn ký ức mà còn làm phong phú trải nghiệm của công chúng khi đến bảo tàng…

Tuy nhiên, AI chỉ là một công cụ hỗ trợ đắc lực, vai trò của con người vẫn vô cùng quan trọng. Các chuyên gia cần cung cấp cho AI dữ liệu chính xác và đầy đủ về tác phẩm, bao gồm kỹ thuật vẽ, chất liệu và bối cảnh lịch sử. Để tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong bảo tồn ký ức nhân văn, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, kết hợp kiến thức về nghệ thuật và công nghệ. Điều này sẽ giúp tìm hiểu, thể hiện sâu hơn các giá trị văn hóa ẩn chứa trong tác phẩm, như thông tin về trang phục, phong tục tập quán của một thời đại, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; đồng thời tạo ra những sản phẩm văn hóa sáng tạo, đáp ứng nhu cầu giáo dục và giải trí của công chúng.

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong bảo tồn di sản cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, điển hình là nguy cơ tạo ra các sản phẩm giả mạo, như tranh vẽ hay ảnh lịch sử. Từng sử dụng công nghệ phục dựng di sản tại Hoàng thành Thăng Long, TS. Phạm Trung Hưng, Công ty CMYK cho biết: AI giúp quá trình phục dựng di sản trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn, và lan tỏa tới công chúng nhanh hơn. Tuy nhiên, song song với việc ứng dụng công nghệ, cần có nghiên cứu khoa học sâu rộng để bảo đảm tính xác thực. Khi sử dụng công nghệ phục dựng, tái tạo ký ức ngày càng dễ dàng, thì cần cân nhắc kỹ lưỡng và có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng "ảo hóa" di sản, ngụy tạo ký ức lịch sử.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-song-lai-ky-uc-nhan-van-post396520.html