Làm thế nào 24 con thỏ Anh tạo ra cuộc 'xâm lược sinh học' tàn khốc nhất nước Úc?
Theo một nghiên cứu mới của tạp chí khoa học Mỹ Proceedings of the National Academy of Sciences, thứ tưởng chừng như món quà Giáng sinh vô hại gồm 24 con thỏ Anh vào năm 1859 đã trở thành 'cuộc xâm lược sinh học tàn khốc nhất' nước Úc.
Thỏ hoang không có nguồn gốc từ Úc và được coi là một loài xâm lấn. Nông dân nói rằng, chúng sinh sôi nhanh chóng, tàn phá mùa màng, đất đai của họ, có thể dẫn đến xói mòn đất quy mô lớn và các vấn đề môi trường khác.
Các nhà nghiên cứu nhận định: “Các cuộc xâm lược sinh học là nguyên nhân chính gây ra sự gián đoạn về môi trường và kinh tế. Sự xâm chiếm Úc của loài thỏ châu Âu là một trong những cuộc xâm lược sinh học mang tính biểu tượng và tàn khốc nhất trong lịch sử được ghi nhận”.
Sử dụng nhiều tài liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu có thể ghép các bằng chứng di truyền liên kết cuộc xâm lược này với loài thỏ Anh được nhập vào Úc năm 1859 bởi một người định cư tên là Thomas Austin. Những con thỏ này có nguồn gốc từ nơi sinh của ông Austin ở Anh.
Tác động đến tận ngày nay
Theo ghi chép lịch sử, ông Austin bắt đầu nuôi 24 con thỏ trong khu đất rộng lớn ở thành phố Melbourne của Úc. Nhưng chỉ trong vòng ba năm, số thỏ đã nhân lên hàng nghìn con và chúng tiếp tục sinh sản.
“Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù đã được giới thiệu rất nhiều lần trên khắp nước Úc, nhưng chỉ một lứa thỏ Anh duy nhất đã kích hoạt cuộc xâm lược sinh học tàn khốc này - những tác động của nó vẫn còn được cảm nhận cho đến ngày nay. Sự kiện đơn lẻ đó đã gây ra thảm họa to lớn này ở Úc; tốc độ thuộc địa hóa nhanh nhất của một loài động vật có vú được giới thiệu từng được ghi nhận”, tác giả nghiên cứu chính Joel Alves, một nhà nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh), nói.
Tuy ông Austin không phải là người đầu tiên đưa thỏ đến Úc (5 con thỏ từng ở trên tàu của Hạm đội 1 của Anh đến thành phố Sydney vào năm 1788), nhưng nghiên cứu có nhiều cơ sở để kết luận rằng, gần như tất cả 200 triệu con thỏ hoang của Úc có thể là hậu duệ của 24 con thỏ được ông đưa vào Úc năm 1859.
Các nhà nghiên cứu nhận định: “Sự thay đổi môi trường có thể khiến Úc dễ bị xâm lược sinh học. Nhưng chính cấu tạo gien của một đàn thỏ hoang dã nhỏ đã châm ngòi cho một trong những cuộc xâm lược sinh học mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại”.
Các nhà nghiên cứu cũng đã nghiên cứu cách những thế hệ thỏ đã có thể tồn tại và phát triển trong vùng hoang dã khắc nghiệt của Úc. Phân tích di truyền cho thấy, không giống như những con thỏ Úc trước đó, có những đặc điểm đã được thuần hóa như “thuần tính, tai mềm và màu lông lạ mắt”, hậu duệ của 24 con thỏ mà Austin mang đến Úc có “tổ tiên” là thỏ hoang.
Đồng tác giả nghiên cứu Mike Letnic của Đại học New South Wales (Úc) cho biết: “Nếu động vật được nuôi để thuần hóa, một trong những thứ chúng thiếu là hành vi chống lại động vật ăn thịt, vốn vừa được học vừa được tiến hóa”.
Bệnh dịch ở thỏ đã xảy ra nhiều lần trên khắp các vùng của Úc trong nhiều thập kỷ. Châu lục này vẫn đang phải vật lộn với số lượng lớn thỏ hoang ngày nay.
Các nhà nghiên cứu cho biết, báo cáo cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì an toàn sinh học nghiêm ngặt ở Úc. Họ nói: “Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng bởi vì các cuộc xâm lược sinh học là mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học toàn cầu và nếu muốn ngăn chặn chúng, bạn cần hiểu điều gì khiến chúng thành công”.
“Sự kiện đó đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng hành động của chỉ một người, hoặc một vài người, có thể gây ra tác động tàn phá môi trường”, các nhà nghiên cứu kết luận.