Làm thế nào cho đúng và nhân văn?
Những ngày qua thông tin về việc chi trả tiền cho người gửi tin báo vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đã làm dậy sóng dư luận xã hội.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, hào hứng, cũng có không ít lo ngại rằng liệu có nên chi trả tiền cho loại tin báo này hay không, trả như thế nào cho đúng và nhân văn?
Rủ nhau săn tiền thưởng
Từ ngày 1/1 vừa qua, Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước” đã chính thức có hiệu lực.
Tại khoản 3, Điều 7 Nghị định nêu trên quy định: “Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, ATGT của 1 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/vụ, việc”. Mặc dù chưa có Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận, chi trả nhưng thông tin được hỗ trợ bằng tiền khi phản ánh vi phạm giao thông đã tạo nên một làn sóng dư luận vô cùng sôi nổi.
Nhiều người cho rằng, việc thu thập thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông quá dễ dàng, thậm chí nếu coi đó là một công việc thì còn có thể kiếm bộn tiền.
Ông Nguyễn Văn Dần (phường Quang Trung, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi hành nghề xe ôm, hàng ngày đều đứng đợi khách ở đầu đường, ngã tư. Lúc rảnh rỗi dùng điện thoại quay phim, chụp hành người vi phạm giao thông rất dễ, gửi cho bên công an mà kiếm thêm được tiền thì tội gì không làm”.
Một nữ sinh viên (xin giấu tên) tỏ ra rất hào hứng với viễn cảnh thu thập thông tin vi phạm giao thông để kiếm tiền thưởng cho hay: “Việc đó rất dễ làm, làm chăm chỉ mà có tiền trang trải cuộc sống, đỡ đần bố mẹ thì em sẽ làm chứ không bỏ qua”. Nhiều người được hỏi cũng cùng chung quan điểm cho rằng sắp tới, khi có những hướng dẫn đầy đủ hơn, họ sẵn sàng làm thêm nghề “thợ săn tiền thưởng” từ vi phạm giao thông bởi nó không sai trái với pháp luật và quan trọng nhất là dễ dàng.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác, thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh cho rằng, làn sóng cổ xúy, động viên nhau đi săn tiền thưởng từ vi phạm giao thông sẽ mang đến nhiều hệ lụy khó lường.
Thứ nhất là rất có thể nhiều người sẽ coi đó như một kênh kiếm tiền chính, dễ dàng hơn, không muốn lao động, sản xuất, kinh doanh mà chỉ trông mong vào tiền thưởng. Nguồn thu nhập này chắc chắn sẽ không ổn định và ít dần đi khi ý thức của người tham gia giao thông cao hơn, sinh kế của các “thợ săn tiền thưởng” cũng theo đó bấp bênh, không bảo đảm.
Thứ hai là “rình rập” trực chờ quay phim, chụp ảnh vi phạm sẽ gây ức chế cho người tham gia giao thông, dẫn đến những va chạm, xô xát, thậm chí là bạo lực, hành hung, gây bất ổn về an ninh, trật tự; gây chia rẽ và xáo trộn trong đời sống xã hội.
“Như vậy liệu việc thưởng tiền cho người báo tin về vi phạm giao thông có còn giữ được ý nghĩa khích lệ người dân chung tay vì ATGT nữa không? Hành vi cố ý đi săn tìm vi phạm có còn đầy đủ tính nhân văn nữa hay không?” - thạc sĩ Nguyễn Anh Minh nói.
Đồng quan điểm, thạc sĩ xã hội học Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thưởng tiền cho người báo tin cần được thực hiện đúng nghĩa như một biện pháp khích lệ, không nên để sa đà, biến thành mua bán thông tin vi phạm.
“Ngay chính lực lượng chức năng cũng sẽ vất vả hơn nếu phải tiếp nhận và trả tiền cho tất cả các tin báo. Bởi họ phải phân loại tin, xác minh xem đúng hay không, có dàn dựng hay không. Chậm trả tiền thì người báo tin khiếu kiện, trả vội vàng thì có thể sai sót” - thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói.
Cần tiêu chí cụ thể
Liên quan đến thể thức và trình tự tiếp nhận thông tin, chi trả tiền thưởng cho người báo tin vi phạm giao thông, phía Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, chưa có hướng dẫn cụ thể và chưa thực hiện. Thế nhưng hiệu ứng của vấn đề này đã lan tỏa rất rộng trong đời sống xã hội. Để tránh những tranh cãi, hệ lụy phức tạp về sau, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần đưa ra những tiêu chí cụ thể ngay từ ban đầu.
Ông Lê Hữu Công (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) nói: “Theo tôi không nên thưởng tiền cho tất cả các tin báo vi phạm giao thông mà phải phân loại rõ ràng. Ví dụ với những vi phạm có mức phạt cao từ 5 triệu trở lên chẳng hạn, mới trích phần trăm từ tiền phạt thưởng cho người báo tin. Như vậy sẽ hạn chế được nhiều rắc rối cho cả CSGT lẫn người dân”.
Nhiều ý kiến lại cho rằng chỉ nên trích thưởng từ xử phạt những hành vi có tính chất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đặc biệt cho người tham gia giao thông và lực lượng chức năng không dễ phát hiện như: điều khiển xe không bằng lái; che, xóa, sử dụng biển kiểm soát giả; chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ trên những tuyến đường chưa có camera giám sát…
Như vậy sẽ khuyến khích được tính tự giác, tinh thần xây dựng của người dân, chung tay vì ATGT của toàn xã hội, đồng thời hạn chế những hành vi vụ lợi, trục lợi cá nhân từ vi phạm giao thông.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, cần có những quy định rất rõ ràng về tin báo vi phạm giao thông đủ điều kiện để được thưởng tiền. Ví dụ như hình ảnh ghi nhận của người báo tin có hiệu lực sử dụng trong bao lâu, căn cứ để xác minh như thế nào? Với từng loại hình lỗi vi phạm giao thông, người báo tin được trích thưởng tối thiểu, tối đa là bao nhiêu phần trăm; trong thời gian bao lâu thì xác minh hoàn tất và chi trả tiền thưởng(?). Đi kèm với đó cũng phải có những quy định rất nghiêm khắc về trách nhiệm của người báo tin. Nếu báo tin sai, tin giả sẽ bị xử phạt như thế nào?.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất, tạm thời chưa thực hiện quy định chi trả tiền thưởng cho người báo tin vi phạm giao thông. Thay vào đó phía CSGT sẽ công khai tin báo nhận được hàng ngày, kết quả xử lý, xử phạt để người dân được biết và theo dõi. Như vậy sẽ mang lại hiệu quả tích cực và có tính nhân văn hơn.
Những ngày qua, dù chưa thực hiện và chưa có hướng dẫn cụ thể nào nhưng rất nhiều thông tin giả, ý kiến đùa cợt, không nghiêm túc về việc thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông đã lan tràn trên mạng xã hội, gây hiệu ứng dư luận không tốt. Cơ quan chức năng cần vào cuộc ngăn chặn, phạt nặng những trường hợp tung tin thất thiệt để tránh gây chia rẽ, xáo trộn đời sống xã hội.
Quy định thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông được đưa ra trong bối cảnh ý thức, văn hóa giao thông còn kém, quá nhiều người thường xuyên vi phạm, nên khiến cho bộ phận không nhỏ người dân háo hức mong đợi. Nhưng thực tế là mức phạt vi phạm giao thông đã được tăng rất cao, ý thức người tham gia giao thông đã có những chuyển biến tích cực nhanh chóng. Không nên coi việc săn tìm vi phạm như một cách kiếm tiền.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-the-nao-cho-dung-va-nhan-van.html