Làm thế nào để biết chắc 1 hợp đồng điện tử là an toàn?
Vẫn có nhiều rủi ro khi doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử. Đại diện Bộ Công Thương hướng dẫn, doanh nghiệp có thể truy cập Cổng tra cứu xác thực hợp đồng điện tử an toàn để tránh rủi ro.
Lo ngại hợp đồng điện tử không an toàn
Một doanh nghiệp đã phải nhờ cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ tính pháp lý chữ ký số trong hợp đồng điện tử. Lý do, cán bộ cấp dưới đăng ký chữ ký số của giám đốc (đại diện pháp nhân của doanh nghiệp), sau đó sử dụng chữ ký số của giám đốc để thực hiện ký kết các hợp đồng trên phần mềm hợp đồng điện tử. Đây là một trong những trường hợp điển hình về hợp đồng điện tử không an toàn.
Một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang sử dụng hệ thống phần mềm ký số của công ty đã được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA). Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI vẫn băn khoăn không rõ hợp đồng điện tử được cung cấp bởi CeCA đó có giá trị pháp lý không? Lo ngại về hợp đồng điện tử không an toàn, doanh nghiệp FDI này đã gửi công văn hỏi Bộ Công Thương.
Hiện tại, hợp đồng điện tử ứng dụng đa dạng công nghệ như dấu thời gian, định danh xác thực, chữ ký số... Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp thông thường (không phải doanh nghiệp về công nghệ) rất khó có thể xác minh dấu thời gian có đúng giá trị pháp lý không, đối tác có sử dụng chữ ký số thật hay không...
Rất nhiều doanh nghiệp lo ngại khi cầm hợp đồng điện tử ra bên thứ ba, ví dụ như ngân hàng (để giải ngân, vay vốn... ), cơ quan bảo hiểm, cơ quan thuế (để quyết toán thuế) hoặc ra tòa án (để giải quyết tranh chấp), bên thứ ba đó không chấp nhận hợp đồng ở dạng điện tử, bắt phải in lại bản giấy rồi mang nộp.
Nên sử dụng dịch vụ của CeCA để giảm rủi ro
Các doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ của các CeCA để giảm thiểu rủi ro liên quan hợp đồng điện tử không an toàn.
Hiện có 11 CeCA đã được Bộ Công Thương cấp phép, gồm: Viettel vContract; Mobifone eContract; FPT CeCA; CMC C-Contract; VNPT eContract; MISA AMIS WeSign; VNPay CeCA; Bkav eContract; Savis; EFY; Fast.
Trên hợp đồng điện tử, sau khi bên A và bên B ký xong, CeCA thực hiện thao tác ký số rồi chứng thực, sau đó gửi mã xác thực lên hệ thống của Bộ Công Thương để sau này phục vụ việc tra cứu mã xác thực của hợp đồng.
Nếu sau này hợp đồng của doanh nghiệp gặp vấn đề như bị hack, hoặc có sai sót về kỹ thuật trong quá trình hình thành hợp đồng điện tử dẫn đến nội dung hợp đồng bị chỉnh sửa, hoặc cần đáp ứng yêu cầu xác minh của các bên thứ ba, CeCA sẽ chịu trách nhiệm chứng thực cho hợp đồng điện tử và Bộ Công Thương sẽ đối chiếu mã xác thực hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xác minh.
CeCA cung cấp giải pháp công nghệ để đảm bảo hợp đồng điện tử an toàn và một số dịch vụ khác như: lưu trữ, quản lý hợp đồng điện tử an toàn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp, công chứng số…
Trường hợp bên A và bên B sử dụng hệ thống phần mềm hợp đồng điện tử của các CeCA khác nhau, vẫn có thể ký chéo bởi đã có sự liên kết giữa các hệ thống CeCA.
Có thể ký kết hợp đồng điện tử với doanh nghiệp ở nước ngoài
“Công ty ký hợp đồng với đối tác ở nước ngoài, dùng DocuSign thì văn bản đó có được công nhận giá trị pháp lý ở Việt Nam không?” - câu hỏi của một doanh nghiệp, cũng là băn khoăn của nhiều doanh nghiệp khác trong bối cảnh hội nhập.
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho hay: Một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (có hiệu lực từ tháng 7/2024) liên quan đến chứng từ điện tử là giá trị pháp lý của các loại chữ ký điện tử.
Trước năm 2023, một hợp đồng có thể dùng nhiều phương thức để ký kết, ví dụ ký ảo, ký trên màn hình, thậm chí có những giao kết/hợp đồng sử dụng cả phương thức SMS OTP để xác thực.
Nhưng từ sau tháng 7/2024, tất cả các loại hình chữ ký điện tử theo phương thức không được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước sẽ đều không có giá trị pháp lý.
Năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 48 cho phép liên thông các hệ thống định danh xác thực, đặc biệt là hệ thống định danh xác thực của Bộ Công an với các nền tảng chữ ký số. Từ đó cho phép khách hàng cá nhân có thể sử dụng chữ ký số có liên kết với VneID của Bộ Công an để giao kết hợp đồng.
“Hiện tại, doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam”, ông Đức Anh khẳng định.
Bộ Công Thương đang phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ hợp đồng điện tử để tiếp tục mở rộng phạm vi ứng dụng của hợp đồng điện tử.
“Chúng tôi đang làm việc với các tổ chức cho phép ký hợp đồng điện tử ở hơn 180 nước trên thế giới. Đầu quý II/2025 sẽ công bố hoạt động này, cho phép doanh nghiệp Việt có thể ký kết hợp đồng điện tử với doanh nghiệp các nước", ông Đức Anh thông tin.
Cách kiểm tra, xác thực hợp đồng điện tử an toàn
Theo ông Lê Đức Anh, cách kiểm tra để xác thực hợp đồng điện tử an toàn gồm các bước cụ thể:
- Truy cập Cổng tra cứu xác thực hợp đồng điện tử an toàn của Bộ Công Thương tại địa chỉ xacthuc.ceca.gov.vn hoặc truy cập Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương moit.gov.vn, sẽ có link dẫn vào Cổng tra cứu xác thực hợp đồng điện tử an toàn.
- Thả file hợp đồng vào mục "Tra cứu", hệ thống sẽ tạo ra mã xác thực.
- Hệ thống đối chiếu mã xác thực của hợp đồng vừa được tải lên với mã xác thực của hợp đồng đã được lưu trữ trên hệ thống (do CeCA gửi lên khi chứng thực hợp đồng điện tử).
Nếu khớp thông tin mã xác thực thì hệ thống của Bộ Công Thương sẽ trả về thông tin xác thực với tích xanh hiển thị bên trái, trên hợp đồng có nhận diện chữ ký số của các CeCA cũng như chữ ký số của hệ thống xác thực Bộ Công Thương.