Làm thế nào để chuyển đổi số du lịch bền vững hậu Covid-19?
Các chuyên gia nhận định chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ, dù đã manh nha kết quả khả quan, song triển khai đồng bộ, thống nhất và kết quả chung mới là thước đo cho kết quả bền vững.
Giữa bối cảnh khó khăn của giai đoạn vực dậy sau đại dịch, việc áp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được các khách sạn, resort cao cấp cũng như các đơn vị lữ hành lớn triển khai với mong muốn nhanh chóng hội nhập quốc tế cũng như phục vụ chính công tác quản lý nội bộ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất. Vì thế, để chuyển đổi số thành công, ngành du lịch có thể sẽ phải mất vài năm song cũng không thể chậm hơn nữa.
Vẫn manh mún và tự phát
Phát biểu tại diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh – Chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững" ngày 18/5, nhiều chuyên gia nhận định vẫn còn những vướng mắc về tính đơn lẻ, tự phát của nền tảng số trong phát triển du lịch.
Thực tế cho thấy trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, không chỉ doanh nghiệp mà các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số nhằm mang tới những trải nghiệm thuận tiện, an toàn cho du khách với các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Đáng chú ý là nhiều địa phương đã hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh về chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
“Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh,” ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá.
Tuy nhiên, ông Phòng cho rằng các nỗ lực trên vẫn chỉ cho thấy quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu "tự phát," mà chưa có một chiến lược tổng thể chung, tạo một nền tảng thống nhất để các doanh nghiệp có thể cùng áp dụng.
Dẫn chứng, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho biết hiện có đến 3/4 các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.
Cụ thể, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hanoitourism cho biết đơn vị này đã bắt đầu chuyển đổi số từ năm 2012. Mặc dù lợi ích và thành quả đạt được từ chuyển đổi số là rất lớn nhưng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
“Khó khăn đầu tiên là trong doanh nghiệp lữ hành sẽ chia làm rất nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau và để có thể ứng dụng số được đồng bộ cho các quy trình cũng như phòng, ban chuyên môn thực sự nan giải. Bởi các đơn vị cung ứng các giải pháp chuyển đổi số cho lữ hành hiện nay không liên kết được các bộ phận, phòng, ban, từ các khâu marketing, chăm sóc khách hàng, đến kinh doanh, điều hành và kế toán, quản lý,” bà Ngần cho hay.
Chính điều này đã dẫn tới việc doanh nghiệp sẽ chỉ có thể chuyển đổi số từng phần, ảnh hưởng tới các công cụ sử dụng và quản lý bị đứt gãy.
Tiếp đó là khó khăn về nguồn lực tài chính để duy trì từ cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị đến các giải pháp ứng dụng, nền tảng số khác nhau cho từng bộ phận chuyên môn trong doanh nghiệp, bởi để có thể sử dụng các giải pháp số một cách liên tục và hiệu quả thì doanh nghiệp phải sẵn nguồn lực tài chính ổn định.
Hơn nữa, vấn đề đào tạo nhân lực cũng là lực cản không nhỏ. "Các đơn vị du lịch hiện chia làm hai luồng nhân sự: Nhóm nhân sự có thâm niên được gọi là nhân sự già và nhóm nhân sự trẻ. Nhân sự trẻ bắt nhịp chuyển đổi số rất nhanh và việc đào tạo ứng dụng số không tốn quá nhiều thời gian. Trong khi đó, muốn thay đổi tư duy cũ của nhóm nhân sự già, có kinh nghiệp nghề sang tư duy mới lại rất khó,' bà Ngần trăn trở.
Cần một nền tảng thống nhất
Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết thời gian tới, ngành du lịch sẽ phát triển một nền tảng thống nhất để tập trung dữ liệu số du lịch cả nước. Theo đó, những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết vào nền tảng chung.
“Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí,” ông Phúc nói.
Trên cơ sở đó, việc phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch sẽ bao gồm: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
Để thưc hiện được mục tiêu này, ngành sẽ thúc đẩy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch cũng như huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.
Bên cạnh đó, ngành cũng tiến hành rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số để từ đó đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.
Đóng góp ý kiến về việc xây dựng nền tảng số du lịch, ông Nguyễn Trọng Đường, đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng một cơ quan nhà nước đứng ra làm sẽ rất khó, nhưng để một doanh nghiệp đứng ra xây dựng và hoạt động sẽ rất khả quan.
“Thực tế đã chứng minh một nền tảng do các doanh nghiệp xây dựng, phát hành sẽ có nguồn dữ liệu dồi dào và mang lại giá trị lan tỏa, thu hút được người dùng. Hầu hết các nền tảng hiện nay đều hình thành và phát triển tự nhiên, nền tảng tốt hay không, người dân, du khách sẽ là người trải nghiệm và bình chọn,” ông Đường nói.
Tuy nhiên, để có một nền tảng chung phát triển trong tương lai, các chuyên gia cho rằng cần sự đóng góp dữ liệu từ người dùng. Đây chính là nguồn tài nguyên vô tận và đa dạng, có giá trị lớn giúp ngành du lịch tự tin hơn trong giai đoạn chuyển mình.