Làm thế nào để có thể 'thất nghiệp vui vẻ'?
Ai cũng muốn là người 'thất nghiệp vui vẻ'. Tuy nhiên, người lao động cần chuẩn bị tâm lỹ vững chắc, quản lý tài chính tốt và có kế hoạch, lộ trình rõ ràng sau khi nghỉ việc.
Năm 2023, khi làn sóng sa thải càn quét thị trường lao động, "funemployment" (tạm dịch: Thất nghiệp vui vẻ) nổi lên một xu hướng mới.
Nhưng thực tế, thuật ngữ này đã xuất hiện từ lâu. Thuật ngữ lần đầu được đề cập trong cuộc Đại Suy thoái 2007-2009, giai đoạn có khoảng 8,8 triệu người Mỹ mất việc.
"Funemployment" dùng để mô tả những người tận hưởng thời gian nghỉ một cách tích cực và vui vẻ sau khi mất việc, thay vì lo lắng hay chán nản.
Họ không cố gắng tìm kiếm công việc mới càng sớm càng tốt. Thay vào đó, những người này muốn vui vẻ tận hưởng thời gian rảnh bằng cách đi du lịch, tham gia các hoạt động giải trí, hay dành thời gian cho gia đình.
Nghe chừng rất đơn giản, nhưng theo tôi, "thất nghiệp vui vẻ" là trải nghiệm tích cực hay tiêu cực còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, tình hình tài chính của từng cá nhân.
Và tất nhiên, để theo đuổi xu hướng này không phải câu chuyện đơn giản.
"Thất nghiệp vui vẻ" có thật sự vui?
Tại Việt Nam, trào lưu này được xem một hệ quả tất yếu trong sự phát triển của xã hội, khi thế hệ trẻ được sinh ra và giáo dục trong thời kỳ đất nước đang phát triển, kinh tế gia đình được cải thiện so với vài thập kỷ trước.
Một số người lao động trẻ không phải đảm nhận trách nhiệm "trụ cột" kinh tế trong gia đình, từ đó giảm bớt gánh nặng lo lắng khi thất nghiệp.
Bên cạnh đó, sau khi trải qua giai đoạn đại dịch, tôi cho rằng nhiều người đã thay đổi quan điểm sống. Họ hướng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ưu tiên những công việc mang lại ý nghĩa nhiều hơn là chỉ quan tâm tiền lương và chức vụ.
Vì vậy, họ cần nhiều thời gian hơn để hiểu chính mình và tìm kiếm những công việc phù hợp với giá trị bản thân theo đuổi. Đây là một xu hướng xã hội mà các thế hệ đi trước nên thấu hiểu và chấp nhận.
Cũng dễ hiểu nếu có ai bày tỏ sự lo ngại cho những người "thất nghiệp vui vẻ".
Một quãng nghỉ dài có thể dẫn đến sự trì trệ về động lực làm việc, mai một các kỹ năng, hoặc đánh mất nhiều cơ hội trên thị trường việc làm, đặc biệt với những nhân sự trẻ tuổi.
Hơn nữa, trong trường hợp số lượng người lao động theo đuổi xu hướng này tăng lên không kiểm soát, thị trường lao động sẽ rơi vào tình trạng mất ổn định, từ đó gây ra khó khăn trong việc vận hành, quản lý của doanh nghiệp. Những chi phí để tuyển dụng, đào tạo và duy trì đội ngũ cũng sẽ tăng lên.
Mặt khác, quãng nghỉ này có thể là cơ hội quý giá nếu người lao động biết tận dụng để nghỉ ngơi, tìm hiểu và làm mới bản thân qua những trải nghiệm trong cuộc sống.
Quá trình này sẽ giúp họ bồi đắp sự sáng tạo, có thêm năng lượng tích cực, tư duy tươi mới hơn khi quay trở lại với công việc chính.
Vì vậy, với những sự thay đổi này, tôi cho rằng chúng ta cần phải nhìn nhận ở cả hai khía cạnh của vấn đề, để từ đó có thể dễ dàng đối mặt với các thách thức và tận dụng tốt những cơ hội được tạo ra.
Ai dám "thất nghiệp vui vẻ"?
Tôi tin rằng ai cũng muốn tận hưởng quãng thời gian mất việc làm một cách tích cực. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được điều đó.
Để có thể "thất nghiệp vui vẻ", người lao động sẽ cần chuẩn bị rất nhiều từ trước.
Đầu tiên, nhân sự cần tìm hiểu, nắm bắt xu thế và tình hình thị trường việc làm.
Khi nắm được tình hình chung, chẳng hạn việc làn sóng cắt giảm nhân sự vẫn chưa dừng lại, người lao động sẽ tránh bị sốc tâm lý nếu chẳng may nằm trong danh sách sa thải.
Khi đã chuẩn bị một tâm lý vững chắc, cũng như nỗ lực hết mình với công việc hiện tại, tôi tin họ có thể dễ dàng tìm kiếm những giải pháp thay thế, hay bước chuyển đổi phù hợp cho bản thân.
Thứ hai, điều quan trọng mà người lao động cần làm là xác định rõ kế hoạch dành cho quãng nghỉ của họ sau khi mất việc làm, bao gồm những việc cần làm, thời gian và nguồn lực thực hiện.
Họ cũng cần có kế hoạch dự phòng vững chắc, cả về tinh thần lẫn vật chất, cho những trường hợp xấu có thể xảy đến, như thất nghiệp lâu hơn dự định, hay công việc mới có mức thu nhập không tốt như công việc cũ.
Cụ thể hơn về kế hoạch tài chính dự phòng, tài khoản tiết kiệm hay nguồn thu nhập bên ngoài của người lao động nên ở mức đủ để trang trải sinh hoạt phí 3 tháng trở lên.
Điều này yêu cầu cá nhân có kế hoạch tài chính, chi tiêu rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế.
Vậy chừng nào một người lao động nên quay trở lại thị trường việc làm?
Câu trả lời sẽ còn phụ thuộc vào mục tiêu, khả năng, cũng như quan điểm của mỗi người về mức độ sẵn sàng quay lại công việc.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng để bản thân không bị tụt hậu với thị trường lao động đang đổi mới hàng ngày, việc liên tục cập nhật xu hướng và kiến thức là điều cực kỳ cần thiết ngay cả trong giai đoạn "thất nghiệp vui vẻ", đặc biệt nhân sự trẻ.
Họ cần tận dụng tốt thời gian để nghỉ ngơi, tìm hiểu bản thân, song vẫn cần trau dồi các kỹ năng cứng và mềm để liên tục phát triển, tăng cường khả năng cạnh tranh khi quay lại.
Nguồn Znews: https://znews.vn/that-nghiep-vui-ve-khong-he-vui-nhu-tuong-tuong-post1451012.html