Làm thế nào để học sinh an toàn đến trường?

Đó chính là nội dung xuyên suốt buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Làm sao để học sinh an toàn đến trường?' do Báo Giáo dục và Thời đại (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức sáng 17-9.

Tại buổi giao lưu, các khách mời: Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); ông Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) và ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội đã lần lượt giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của độc giả về vấn đề này.

 Các khách mời tham dự buổi giao lưu. Ảnh: Trung Tâm.

Các khách mời tham dự buổi giao lưu. Ảnh: Trung Tâm.

An toàn trường học là mục tiêu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành giáo dục. Thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều quan tâm chỉ đạo công tác này. Trong 5 năm, Bộ GD-ĐT đã ban hành gần 20 văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu các quyết định đề án của Thủ tướng, gửi văn bản cho chủ tịch các tỉnh, thành phố đôn đốc nhắc nhở xử lý các sự việc liên quan về an toàn trường học.

Gần đây nhất, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT quy định về các điều kiện tối thiểu của trường học. Trong thông tư này đã quy định những tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, hệ thống trường lớp, hệ thống tường bao, hệ thống điện nước... của từng cấp học. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, liên tiếp xuất hiện những sự cố về gây tai nạn thương tích cho học sinh, mất an toàn trường học ở một số địa phương trong cả nước.

Để kịp thời ngăn chặn những nguy cơ mất an toàn trường học, các khách mời đã giúp bạn đọc nhận diện những tiềm ẩn của hiện tượng này, từ bạo lực học đường, đến cơ sở vật chất và cả những nguy cơ xuất hiện ngoài cổng trường gây mất an toàn về thể chất, tinh thần của học sinh. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị, để giảm thiểu rủi ro, tạo sự phòng ngừa tốt nhất như trách nhiệm của nhà trường trong việc tổ chức kiểm tra, rà soát; kế hoạch tu bổ, sửa chữa, thay thế các hạng mục, các vấn đề tiềm ẩn. Qua đó, Ban An toàn trường học sẽ có các biện pháp để khắc phục, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Ngoài ra, công tác giáo dục, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng phát hiện các rủi ro xung quanh cuộc sống cho học sinh vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phong phú, phức tạp của các tình huống diễn ra trong môi trường học đường và các không gian ngoài xã hội có liên quan đến học sinh; thêm vào đó là sự quan tâm của cha mẹ học sinh đối với diễn biến tâm lý, khó khăn, vướng mắc và quản lý các hoạt động của con em mình chưa được kịp thời...

Các giải pháp cho vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, như trang bị cho trẻ em những tri thức cần thiết, giáo dục giới tính để trẻ biết phương pháp chủ động phòng ngừa tội phạm xảy ra đối với mình. Đồng thời biết cách ứng xử khôn khéo trong các tình huống nguy hiểm, khi phải đối diện với tội phạm.

KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/lam-the-nao-de-hoc-sinh-an-toan-den-truong-635411