Làm thế nào để Luton lên chơi Premier League, hay chuyện cổ tích thời hiện đại

Vậy là Luton đã thăng hạng bằng chiến thắng trước Coventry trên loạt sút luân lưu, lần đầu tiên được chơi ở Premier League và là đội bóng đầu tiên từng khởi phát từ giải bán chuyên - nằm ngoài hệ thống giải chyên nghiệp Football League (4 hàng đấu) - làm được điều này. Chúng ta gọi đó là kỳ tích cũng được, mà mô tả đó là câu chuyện cổ tích thời hiện đại cũng đúng. Như tờ Independent tán tụng: 'Đó là CLB dám chứng minh rằng bạn không cần tiền để đến được Premier League'.

Trước mỗi trận đấu trên sân nhà, cửa hàng của CLB bóng đá tại thị trấn Luton luôn tấp nập. Đó là một tòa nhà nhỏ nằm bên ngoài đường Kenilworth, nhìn giống như một lớp học lắp ghép tạm bợ cho công trình ngắn hạn nào đó. Nhưng không khí bên trong thì ấm cúng, nồng nhiệt lắm. Sau khi bạn đã mua một chiếc áo sơ mi, một chiếc cốc hoặc một chiếc mũ len thì tốt nhất bạn nên nhường chỗ cho người khác vì ai cũng muốn có phần mà không gian thì bé nhỏ quá.

Đó là một thế giới khác với sự xa hoa của Premier League. Ví dụ, Tottenham tự hào có cửa hàng CLB lớn nhất ở châu Âu với diện tích hơn 2.000m2, bán mọi thứ từ những chiếc bát sang quý dự tiệc có khảm đá hoa cương, cho đến trò chơi phiên bản độc quyền của Tottenham. Khách vào có thể cùng lúc 100 người êm ả thả mình trên những chiếc ghế mềm. Luton vs Tottenham, chúng ta sẽ thấy 2 CLB dường như tồn tại trên các hành tinh khác nhau, và sắp đến, thật thú vị là họ sẽ là đối thủ của nhau trong mùa giải tới.

Sở dĩ có sự chênh lệch đó, là vì Luton đã tiến lên đỉnh cao theo một cách vượt quá tiềm lực của mình. Họ là nàng công chúa trong hình hài Lọ lem. Toàn bộ ngân sách tiền lương của họ, khoảng 6 triệu bảng, có thể chỉ mua được 1 cầu thủ dự bị của Man.City. Khi chúng ta nói về những chú cá hồi bơi ngược dòng để trở thành một sản vật cao cấp, thì cái cách mà Luton chơi bóng trên thảm cỏ sân Kenilworth Road cũng vậy, nhỏ bé nhưng hùng vĩ, gần gũi mà mãnh liệt. Sân bóng bé nhỏ với sức chưa 10.000 người đó lúc nào cũng giống như đang có 50.000 hò hét. Thật kích động làm sao.

Mới đây, trong khí thế của một đội bóng có thể thăng hạng, Luton đã công bố bản vẽ mới cho sân nhà, với cái tên cũng mới là Power Court. Tuy nhiên, dự án này phải đến 2025 mới triển khai. Vì vậy, sắp đến các đối thủ giàu có của họ tại giải ngoại hạng Anh sẽ chứng kiến một khung cảnh ngạc nhiên khi đến làm khách tại Luton: đó là hàng dài khán giả luồn lách qua một con hẻm để leo lên cầu thang bằng thép treo trên những khu vườn mới tới được chổ ngồi trên khán đài Kenilworth Road.

Bill Cole, nhân viên của Luton đã làm việc tại CLB 5 năm qua đã xem bóng đá tại Kenilworth Road từ năm 1976. Đó là ký ức của một thời trai trẻ, nhưng nếu nó không còn nữa thì anh cũng chẳng rơi nước mắt. Luton của anh cần có một ngôi nhà lớn hơn cho những giấc mơ lớn hơn trong tương lai. “Tôi chỉ hy vọng họ dựng một cây cột kim loại trước sân để nhắc nhở chúng tôi về những ngày xưa củ”, Bill cười và nói đầy vẻ tự hào.

Đó chính là cái cách để Luton từ chỗ chơi bóng ở giải hạng 5 nước Anh cách đây 9 năm, giờ đã là CLB Premier League với doanh thu ước tính hàng trăm triệu bảng Anh. Câu chuyện cổ tích ấy không viết mới tiền bạc, mà bằng niềm đam mê, thứ sản vật của thị trấn bé nhỏ phía Nam nước Anh này. Cũng giống như Wrexham vừa mới từ hạng 5 lên đá chuyên nghiệp, sức sống của các CLB nhỏ ở Anh là vô cùng mãnh liệt. Chính nhờ niềm đam mê ấy mà mỗi CLB luôn cố gắng hoàn thiện bản thân mình để giữ giấc mơ Premier League qua năm này, tháng nọ. Tổng cộng, đội bóng này đã thăng đến 5 hạng trong vòng có 8 năm thôi. Một bước tiến thần kỳ.

Trọng tâm của sự thăng tiến ấy chính là tính liên tục. Tiền vệ Pelly Ruddock Mpanzu đã gắn bó với câu lạc bộ từ năm 2014 đến nay. Sau khi HLV tài năng Nathan Jones, người gắn bó từ năm 2016 bị rơi vào tay Southampton, Luton bổ nhiệm ngay Rob Edwards, người bị Watford sa thải chỉ sau 11 trận đấu nhưng từng giúp một CLB vô danh là Forest Green Rovers vô địch giải hạng 4 trước đó. Họ thấy rằng Edwards phù hợp với mình và quyết định đặt niềm tin vào anh. Sau đó, là một kế hoạch tăng cường lực lượng thông minh với các cái tên không có chổ dung thân tại giải ngoại hạng như Cody Drameh mượn từ Leeds, Nakamba của Aston Villa …

Nói cách khác, câu chuyện cổ tích của Luton được đúc kết bằng 2 từ: có gì, dùng nấy. Đội bóng này không có nhà hỗ trợ tài chính nào cả, quyền sở hữu chính là của các CĐV. Họ nhỏ bé nhưng kiên định, vô danh nhưng biết rõ mình là ai…

HỒ VIỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lam-the-nao-de-luton-len-choi-premier-league-hay-chuyen-co-tich-thoi-hien-dai-post691512.html