Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cấp tỉnh?

Năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, nỗ lực cải cách hành chính mà còn dựa vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Sáng ngày 9/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện sáng kiến Việt Nam và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên tổ chức "Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024" (Diễn đàn PBCF).

Diễn đàn PBCF có sự góp mặt của hơn 300 đại biểu khách mời là đại diện lãnh đạo các bộ ngành liên quan; Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp; các trường đại học, viện đào tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Đại biểu tham dự diễn đàn (Ảnh: Thanh Minh).

Đại biểu tham dự diễn đàn (Ảnh: Thanh Minh).

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng

Doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất tạo ra của cải cho toàn xã hội. Các doanh nghiệp đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), tạo việc làm cho người dân và nguồn thu ngân sách cho Nhà nước. Trong những năm qua, cùng với Trung ương, các địa phương đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ phát huy vai trò của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.

Tuy nhiên nhận thấy, năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố (PCI) mà còn dựa vào năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp, bao gồm: Chiến lược, tầm nhìn và quản trị của doanh nghiệp; Hợp tác và trình độ phát triển của cụm ngành; Khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh; Khai thác các yếu tố hay tài nguyên sẵn có của từng địa phương…

Trong đó, sự đồng bộ giữa năng lực quản trị nội tại của các doanh nghiệp và năng lực quản trị của chính quyền là yếu tố quan trọng, không thể tách rời.

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn (Ảnh: Thanh Minh).

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn (Ảnh: Thanh Minh).

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh do đơn vị này chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ được tổ chức thường niên, nhằm có góc nhìn đa chiều về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cấp tỉnh trong tổng thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững từng địa phương.

Theo kế hoạch, từ năm 2025, Diễn đàn sẽ có nội dung phân tích dữ liệu cho cả 63 tỉnh - thành, tổ chức khảo sát các cơ quan chức năng, hội doanh nghiệp và phân tích sâu về năng lực cạnh tranh cho một số địa phương được lựa chọn.

Cũng theo ông Trần Hoàng, Diễn đàn PBCF không chỉ là một hoạt động khoa học, truyền thông đơn thuần và không để so sánh năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp các tỉnh - thành với nhau, mà quan trọng nhất là thông qua đây, các nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia, các hội doanh nghiệp và cơ quan truyền thông sẽ có thêm thông tin cùng nghiên cứu và tìm ra giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính lực lượng doanh nghiệp và nền kinh tế của địa phương mình.

Cách tiếp cận của báo cáo Diễn đàn PBCF là liên ngành, liên thời gian và dựa vào dữ liệu và thông tin thu thập được từ những nguồn đáng tin cậy. Ngoài dữ liệu thứ cấp, Ban tổ chức khảo sát số liệu các doanh nghiệp, thu thập thông tin từ các cơ quan quản lý và những nhà phân tích. Kết quả khảo sát được sử dụng để minh họa hoặc đối chiếu với các thông tin, dữ liệu thứ cấp để phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh).

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh).

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng với Trung ương, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ và phát huy vai trò của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.

Bên cạnh đó, lực lượng doanh nghiệp Thành phố cũng đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, phát triển nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Ông Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất tạo ra của cải cho toàn xã hội. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), việc làm cho người dân và nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Do đó, sự phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh phụ thuộc vào năng lực tạo ra giá trị gia tăng cũng như năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp.

Mặt khác, năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố (PCI) mà còn dựa vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương.

Các đại biểu và chuyên gia thảo luận và đưa ra những góc nhìn toàn diện cùng những giải pháp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (Ảnh: Thanh Minh).

Các đại biểu và chuyên gia thảo luận và đưa ra những góc nhìn toàn diện cùng những giải pháp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (Ảnh: Thanh Minh).

Do vậy, việc tổ chức diễn đàn và báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp các địa phương là hết sức quan trọng. Không những để có một bức tranh tổng thể về sự phát triển trong dài hạn và vị trí hiện tại của lực lượng doanh nghiệp, mà còn là một bức tranh tổng thể về năng lực cạnh tranh kinh tế của một địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, từ báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh doanh nghiệp của Thành phố năm 2023 và kết quả nghiên cứu, mặc dù Thành phố vẫn dẫn đầu cả nước về giá trị tuyệt đối ở nhiều chỉ tiêu, nhưng quy mô và kết quả hoạt động của lực lượng doanh nghiệp nói riêng, các kết quả kinh tế nói chung đang đi xuống một cách tương đối so với bình quân chung của cả nước.

Trong khi một số địa phương khác có sự bứt tốc xét về tổng thể, thậm chí đã có những địa phương mặt vượt qua TP. Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, so với các đô thị trung tâm trong Khu vực Đông Á và Đông Nam Á, khả năng cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp Thành phố, nhất là các doanh nghiệp dẫn đầu, là khá khiêm tốn. Các doanh nghiệp nói riêng, kinh tế nói chung của TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các đô thị đi trước trong khu vực.

Tại diễn đàn này các diễn giả, chuyên gia kinh tế hàng đầu đã thảo luận, đưa ra những góc nhìn toàn diện cùng những giải pháp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội cho Thành phố và cả nước.

Công bố Báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh 2023

Tại "Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024” TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ, thành viên Viện sang kiến Việt Nam) Chủ nhiệm Báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp TP. Hô Chí Minh nhận định, TP. Hồ Chí Minh vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp đặt trụ sở và tổ chức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của Thành phố đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước. “Sức khỏe" của các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại.

TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Indiana (Hoa Kỳ, thành viên Viện sang kiến Việt Nam) - (Ảnh: Thanh Minh).

Cụ thể, Thành phố chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022; không có doanh nghiệp nào trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500). Nếu chỉ xét các doanh nghiệp tư nhân, theo xếp hạng trên, trong nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất, năm 2010 Thành phố có 5, nhưng đến năm 2022 chỉ còn 3.

Còn trong danh sách Fortune 500 công bố vào tháng 6/2024, Việt Nam có 70 doanh nghiệp với 30 ở Hà Nội và 25 ở TP. Hồ Chí Minh. Trong 10 doanh nghiệp lớn nhất trong Fortune 500 thì Hà Nội có 6 và TP. Hồ Chí Minh có 2… Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết có xu hướng đi xuống rõ rệt. Năm đầu 2010 chiếm khoảng 50% cuối năm 2022 còn chưa đến 1/3. Trong khi đó, Hà Nội lại có xu hướng ngược lại. Ngoài ra, các chỉ số về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người của TP. Hồ Chí Minh giảm so với các thành phố trong khu vực.

“Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh” đã chỉ ra, nguyên nhân khiến cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Thành phố giảm sút cả về “chất” và “lượng” đến từ tất cả các yếu tố, bao gồm: Chiến lược hoạt động của chính lực lượng doanh nghiệp chưa rõ ràng và hoạt động còn chưa hiệu quả; trình độ phát triển cụm ngành còn khá khiêm tốn, thiếu vắng sự liên kết, tương hỗ; Môi trường kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn cách xa kỳ vọng của doanh nghiệp…

Từ đó, nhóm nghiên cứu cùng các chuyên gia đưa ra một số đề xuất, gợi ý giải pháp cho doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác và chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho đội ngũ doanh nghiệp Thành phố, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-the-nao-de-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-cap-tinh-330960.html