Làm thế nào để nâng tầm hàng Việt?
'Làm thế nào để nâng tầm hàng Việt?' luôn là câu hỏi bức thiết nhiều năm nay. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số phát biểu của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân tại Diễn đàn 'Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các hiệp định thương mại thế hệ mới' để góp phần tìm câu trả lời.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Hàng Việt ngày càng được ưa chuộng
Việt Nam hiện là thành viên của nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2020 đạt 2.907,1 nghìn tỉ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò của nguồn cung hàng hóa nội địa trong các bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thiên tai khắc nghiệt khó lường, đồng thời thể hiện rõ hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng Việt ưa chuộng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Doanh nghiệp Việt quy mô nhỏ bé
Doanh nghiệp (DN) Việt quy mô nhỏ bé nên chưa đầu tư mạnh vào công nghệ, chưa có chiến lược phát triển dài hạn, khiến DN khó tạo được sự tin tưởng của các đối tác. Bên cạnh đó, bản thân các DN Việt Nam rất khó cùng nhau hợp tác phát triển, khó trở thành các đối tác dài hạn của nhau, không hỗ trợ và nâng đỡ nhau để cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung.
Bên cạnh đó, nhận thức của DN Việt về việc phải phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được chú trọng, đặc biệt với các DN khu vực phía Bắc.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ: Thiết kế lại “khởi nghiệp quốc gia”
Không thể bác bỏ thực trạng yếu kém của các DN Việt sau 35 năm chuyển sang kinh tế thị trường - mở cửa. Trong bối cảnh nền kinh tế phải nỗ lực đạt được “trạng thái bình thường mới”, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp “nóng”, cụ thể: Nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, chính là các thị trường đầu vào (thị trường các nguồn lực) đúng nghĩa. Bên cạnh đó, nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin - cho”. Đây là nguồn gốc cơ bản và trực tiếp của tham nhũng, lãng phí, làm méo mó cấu trúc thị trường.
Hai yếu tố nêu trên nếu vận hành trong không gian “công khai, minh bạch” sẽ là nền tảng để phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài ra, cần áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành nền kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”, sẽ giúp kích thích tinh thần đua tranh giành chiến thắng một cách đàng hoàng trong cộng đồng DN Việt. Xác lập cách tư duy - tiếp cận mới về “mời gọi đại bàng” và “làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng”. Phải đặt việc xây dựng lực lượng DN Việt thành một chiến lược hành động quốc gia được ưu tiên hàng đầu, trong đó, việc gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt” mang tính trụ cột.
“Khởi nghiệp quốc gia” cần được thiết kế lại đúng tầm, đúng yêu cầu của thời đại để nhanh chóng “thay máu DN” cho nền kinh tế. Muốn vậy, cần đặc biệt chú ý đến cách xây dựng hệ thống thể chế phù hợp cho nền kinh tế số - công nghệ cao - trí tuệ. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn do tính chất phức tạp của hệ thống phát triển mới và do tính chất “chưa có tiền lệ” trong lịch sử phát triển thế giới.
Bà Nguyễn Việt Hồng - Phó trưởng ban Kinh tế và Xúc tiến thương mại - Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam: Nhiều vấn đề đáng quan tâm
Có thể tóm tắt các vấn đề đáng quan tâm của DN nhỏ và vừa Việt Nam: Thiếu sự liên kết cần thiết khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; DN nhỏ và vừa thiếu chiến lược phát triển lâu dài; yếu về chất lượng lao động; năng lực cạnh tranh còn yếu; nhiều DN chưa chủ động đưa ra chiến lược quản trị và marketing riêng của mình; hay chú trọng đến các thị trường nước ngoài mà lãng quên hoặc bỏ qua thị trường trong nước...
Ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp: Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế
Khóa Việt Tiệp luôn chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm khách hàng và hiểu rõ nội dung các quy định của các FTA để sẵn sàng hội nhập. Ngoài ra, Khóa Việt Tiệp tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng...
Để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các FTA, chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách để các DN có cơ sở pháp lý, hoạt động hiệu quả.
Hàng Việt vẫn đang được đánh giá cao và được các nhà bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao 90-95%, cụ thể: Co.opmart 90-93%, Satra 90-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%...
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lam-the-nao-de-nang-tam-hang-viet-585559.html