Làm thế nào để phát hiện sớm căn bệnh chết người do ăn lòng, tiết canh lợn?
Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn gia tăng, đặc biệt TP.Huế có hàng chục ca mắc (có ca tử vong) chỉ trong vòng 1 tháng.
Theo thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước có khoảng 40 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis, trong đó TP.Huế là địa phương có số ca mắc cao nhất, lên đến 33 ca. Đặc biệt, trong vòng 1 tháng trở lại đây (từ đầu tháng 6 đến nay), bệnh liên cầu khuẩn lợn tại TP.Huế bùng phát dữ dội, có đến 25 ca, trong đó có 1 ca tử vong, nhiều trường hợp khác đang trong tình trạng nguy kịch.
Hiện chính quyền TP.Huế đang triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó có siết chặt kiểm tra giết mổ nhằm hạn chế dịch bệnh này bùng phát.
Nhiều dấu hiệu của bệnh rất dễ bỏ qua
Bệnh liên cầu khuẩn lợn lây qua con người khi tiếp xúc với máu, dịch, thịt, nội tạng lợn bị bệnh, đặc biệt nếu có vết thương hở; hoặc ăn những sản phẩm của lợn bị bệnh chưa được nấu chín như: tiết canh, lòng tái, nem chua làm từ thịt lợn sống…

Lòng và tiết canh lợn là mối nguy hiểm có thể lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn - Ảnh minh họa
Theo TS-BS Nguyễn Thị Thúy Ngân – Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, có 6 đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn cần được theo dõi sát để phát hiện sớm.
Cụ thể, 6 đối tượng gồm: những người trực tiếp tham gia các khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, đặc biệt là tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết hoặc lợn không rõ nguồn gốc; người tiêu thụ các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, lòng lợn, thịt tái, nem chua, nem chạo; người có vết thương hở khi tiếp xúc với lợn, thịt lợn, đặc biệt ở môi trường chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh; người có bệnh nền như đái tháo đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch hoặc người cao tuổi; nam giới trong độ tuổi lao động (từ 30-60 tuổi) đặc biệt có nguy cơ cao, theo số liệu dịch tễ học; cư dân tại các khu vực có dịch bệnh lưu hành ở đàn lợn, hoặc những nơi thường xảy ra ổ dịch.
“Thống kê tại Việt Nam, phần lớn bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn là nam giới lao động phổ thông, với tỷ lệ bệnh nhân viêm màng não do liên cầu lợn vào mùa hè là cao nhất”, bác sĩ Ngân thông tin.
Phân tích của bác sĩ Ngân cho thấy bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể khởi phát âm thầm, có những dấu hiệu rất dễ khiến người bệnh bỏ qua. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong.
Bệnh liên cầu khuẩn lợn thường có thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày, có thể kéo dài đến 10 ngày. Các dấu hiệu ban đầu bao gồm: mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức mỏi cơ nhẹ, chán ăn, tiêu chảy nhẹ, tương tự như cảm cúm.
“Những triệu chứng ban đầu của bệnh liên cầu khuẩn lợn như: sốt nhẹ thoáng qua, tự giảm khi nghỉ ngơi; đau cơ nhẹ sau khi lao động hoặc ăn uống… Đây là những dấu hiệu rất dễ khiến người bệnh chủ quan, bỏ qua. Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng tiêu hóa mơ hồ như tiêu chảy, chán ăn”, bác sĩ Ngân nói.
Phát hiện sớm bằng cách nào?
Theo bác sĩ Ngân, dù hiện chưa có xét nghiệm tầm soát thường quy cho người chưa có triệu chứng, nhưng đối với người có yếu tố nguy cơ hoặc phơi nhiễm, có thể xét nghiệm sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Những trường hợp này có thể cấy máu để chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết; cấy dịch não tủy khi có triệu chứng thần kinh; PCR phát hiện gen đặc hiệu của Streptococcus suis trong máu và dịch não tủy có độ nhạy cao, thời gian trả kết quả nhanh (trong vài giờ); các chỉ số viêm máu như bạch cầu, CRP, Procalcitonin tăng cao có thể.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo những người làm nghề giết mổ, hoặc buôn bán thịt lợn cần theo dõi những dấu hiệu sớm của bệnh liên cầu khuẩn lợn, đặc biệt sau khi tiếp xúc hoặc ăn sản phẩm từ lợn thường có triệu chứng như: sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, đau mỏi cơ; buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng; xuất huyết dưới da, ban đỏ hoại tử ở tứ chi; ù tai, nghe kém: biến chứng của viêm màng não do liên cầu lợn.
Ngoài ra, cần đặc biệt cần cảnh giác khi có vết thương, trầy xước da tiếp xúc với máu, thịt, dịch tiết lợn.
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể tiến triển nhanh trong vòng 24-48 giờ, với tình trạng sốc nhiễm khuẩn, hoặc viêm màng não nếu không được phát hiện sớm. Khi bệnh nhân có dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo chuyển nặng thường có các triệu chứng như: sốt cao, đau đầu dữ dội, cổ cứng, nôn vọt, co giật , rối loạn ý thức, xuất huyết dưới da, tụt huyết áp, mạch nhanh, vã mồ hôi, lạnh đầu chi. Bệnh nhân viêm màng não do liên cầu lợn có thể có biến chứng điếc không hồi phục.
Để phòng ngừa bệnh liên cầu khuẩn lợn, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao, bác sĩ Ngân khuyến cáo khi tiếp xúc với thịt lợn cần sử dụng găng tay, bảo hộ lao động đầy đủ; không ăn tiết canh, thực phẩm từ lợn chưa nấu chín kỹ; khi có vết thương hở không tham gia giết mổ hoặc chế biến lợn; sát khuẩn, rửa tay sau khi làm việc. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, không nên tự điều trị tại nhà mà cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.