Làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực cơ khí cho Việt Nam?

Để phát triển nguồn nhân lực cơ khí không chỉ cần đến sự đầu tư bài bản, trình độ giáo viên, điều kiện thực hành, mà còn cả việc thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Cách đây khoảng 10 năm, khoa Cơ khí chế tạo, trường Trung cấp nghề Cơ khí Hà Nội, rơi vào cảnh khó đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh vì không thu hút được người học. Khi đó nhiều người nghĩ nghề cơ khí vất vả, ra trường lại khó kiếm được việc làm nên ưu tiên chọn các ngành kinh tế khác.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi những năm gần đây, trường liên tục tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí năm nay tăng chỉ tiêu so với năm trước. Theo các thầy cô giáo tại đây, nghề cơ khí dần khẳng định được vị trí quan trọng trong xã hội, sinh viên ra trường có việc làm, thu nhập ổn định nên được nhiều gia đình hướng con em lựa chọn.

Giờ đây các thầy cô lại phải đối mặt với bài toán mới đó là nâng cao chất lượng đào tạo, để những kỹ sư, công nhân sau khi ra trường không chỉ thạo về nghề mà còn vươn tầm trình độ các nước trong khu vực. Đó cũng là đòi hỏi chung của xã hội để giúp ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển.

Bài toán tuyển sinh đầu vào

Vào mùa tuyển sinh năm 2022, TS Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 (TP.HCM) từng chia sẻ với báo chí về việc sinh viên học cơ khí của trường ngày càng có cơ hội việc làm vượt trội hơn so với các ngành khác. Ông nhấn mạnh riêng ngành cơ khí, doanh nghiệp sẵn sàng đến trường ký hợp đồng tuyển dụng nhưng trường không đủ để cung cấp. Điều đó cho thấy nhu cầu nhân lực ngành này đang rất nóng.

Trong khi đó, tại trường Cao đẳng Thaco ở Chu Lai, ThS Phan Tiềm, Hiệu trưởng tại đây, cho biết nghịch lý của ngành cơ khí là dù xã hội rất cần, là ngành có vị trí xương sống của nền kinh tế, nhưng lại rất ít thu hút người học. Do đó, để tuyển đủ chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.

Ông Tiềm cho rằng, bước đầu tiên để phát triển nguồn nhân lực ngành cơ khí là phải thu hút được người học. Muốn vậy thì xã hội phải hiểu được tầm quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí với đất nước. Đây được coi là một ngành công nghiệp mang tính nền tảng, xương sống, liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Bởi vậy, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai là thực sự triển vọng.

Trong một dự báo được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) công bố, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Nhưng hiện nay ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Điều này nghĩa là cơ hội để các doanh nghiệp cơ khí trong nước vươn lên, trong đó, nhu cầu nhân lực ngành cơ khí là rất lớn.

 Ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Khi nhu cầu nhân lực ngành cơ khí tăng cao liên tục, sinh viên ra trường đều có việc làm ổn định, giúp tiết kiệm chi phí đào tạo cho xã hội. Thực tế hiện nay, nhiều sinh viên học các ngành nghề thời thượng nhưng ra trường khó kiếm việc làm, thậm chí là phải làm trái ngành, trái nghề gây lãng phí rất lớn.

"Điều tôi tự hào nhất về trường Cao đẳng Thaco là sinh viên ra trường 100% có việc làm ngay", ThS Phan Tiềm nói. Ông cũng nhấn mạnh nhiều bậc phụ huynh cũng hiểu ra điều này nên đã hướng con em chọn học ngành cơ khí.

Ngoài cơ hội việc làm, xã hội cũng cần có nhận thức đúng hơn về nghề cơ khí. Nghề này không quá vất vả, đòi hỏi sức khỏe như nhiều người mặc định. Với khoa học kỹ thuật phát triển, các khâu trong cơ khí như phay, tiện, cắt, mài, sơn... gần như đã có máy móc tự động hóa. Trong tương lai, với sự phát triển của công nghiệp 4.0, các kỹ thuật cao sẽ được ứng dụng mạnh mẽ hơn, giúp giảm sức của con người trong quá trình sản xuất.

Bài toán chi phí đào tạo và thực hành

Trong việc phát triển nhân lực ngành cơ khí, khâu thực hành là một trong những yếu tố mang tính quyết định của việc đào tạo nghề cơ khí. Khác với các ngành nghề khác, một học viên ngành cơ khí sau khi ra trường muốn làm được việc ngay thì phải trải qua quá trình đào tạo về lý thuyết và thực hành rất bài bản.

Nhiều trường cao đẳng, đại học, trung cấp nghề ở Việt Nam đang rất thiếu các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho việc thực hành. Trong khi đó, các trang thiết bị, máy móc, công nghệ liên tục thay đổi, được cập nhật trên thế giới. Đó là chưa kể phải có vật liệu thực hành đầu vào giống như thực tế.

Bên trong trường Cao đẳng Thaco ở Chu Lai là những xưởng thực hành hiện đại không kém gì so với các nhà xưởng thực tế tại các doanh nghiệp. Điều đặc biệt ở đây, sinh viên được học 30% lý thuyết, nhưng có tới 70% thời lượng là thực hành. Trang thiết bị thực hành được cập nhật không kém gì các nhà máy hiện đại, được Thaco Auto và Thaco Industries tài trợ. Đây được coi là hình mẫu về đào tạo nhân lực cơ khí ở Việt Nam, hàng năm cung ứng cho thị trường hàng nghìn công nhân, kỹ sư trình độ cao, lành nghề.

Sinh viên trường Cao đẳng Thaco được thực hành 50% tại xưởng của nhà trường, sau đó 50% thời gian trực tiếp xuống xưởng làm việc thực tế để thực tập. Ảnh: Việt Linh.

Sinh viên trường Cao đẳng Thaco được thực hành 50% tại xưởng của nhà trường, sau đó 50% thời gian trực tiếp xuống xưởng làm việc thực tế để thực tập. Ảnh: Việt Linh.

Điều đáng nói, sinh viên được thực hành 50% tại xưởng của nhà trường, sau đó 50% thời gian trực tiếp xuống xưởng làm việc thực tế để thực tập. Điều này giúp sinh viên làm quen với môi trường công nghiệp, thực hành các công việc thực tế với trang thiết bị, máy móc hiện đại nhất. Các vật liệu thực hành của nhà trường đều được Thaco Industries tài trợ, thậm chí là hỗ trợ chi phí về đào tạo. Sinh viên chỉ phải đóng khoảng 700.000 đồng/tháng, trong khi mức thực tế có thể lên đến 3,7 triệu đồng/tháng.

Giảng viên cũng được nâng cao chất lượng bằng việc hàng năm phải có 2 tháng xuống trực tiếp xưởng sản xuất của Thaco Industries làm việc, cập nhật các kiến thức mới. Ngoài ra, giảng viên còn được tham gia các khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ của các hãng xe hàng đầu trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, có những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước nhưng ít được người học lựa chọn, điển hình như nghề cơ khí. Nguyên nhân có thể do việc học tập các lĩnh vực này rất khó, cần nhiều trang thiết bị hơn hoặc công tác truyền thông chưa làm tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn theo học.

Hiện nay, thị trường việc làm tại Việt Nam vẫn chú trọng vào các ngành nghề có tính ứng dụng cao, phù hợp nhu cầu xã hội.

Ông cho biết Nhà nước sẽ đầu tư, hỗ trợ cho các ngành quan trọng như toán học, khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ... trong đó có cơ khí, để giảm bớt khó khăn cho sinh viên nhập học vào những ngành này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được Chính phủ giao xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Trong đề án này, Bộ sẽ đề xuất các giải pháp về chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường với doanh nghiệp về đào tạo nghiên cứu, hợp tác quốc tế để tăng sự thu hút của các ngành nghề này với học sinh. Đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng như phòng thí nghiệm, thực hành.

Trần Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-the-nao-de-phat-trien-nguon-nhan-luc-co-khi-cho-viet-nam-post1420472.html