Làm thế nào để thị trường bất động sản phục hồi sau dịch Covid-19?
Dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian qua phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội các nước trong đó có Việt Nam, bất động sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Việc chồng chéo về các quy định, thủ tục hành chính càng khiến cho thị trường trở nên khó khăn hơn...
Từ đó, cần có những giải pháp tích cực để khắc phục khó khăn này, đây là nội dung chính tại buổi tọa đàm "Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu Covid-19" được tổ chức tại Hà Nội hôm nay (12/6).
Thị trường khủng hoảng
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, về tiêu thụ sản phẩm, riêng nhà ở thương mại chỉ đạt 14%, lượng giao dịch thành công giảm mạnh. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng không có nguồn thu, giá bán nhà tăng so với năm 2019, BĐS công nghiệp tăng 6,2%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với năm 2019, 200 sàn hoạt động cầm chừng, gần 80% sàn tạm ngừng giao dịch.
Vốn FDI đầu tư vào BĐS sụt giảm mạnh. Trong quý I/2020, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua, bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý IV/2019 và chỉ bằng 14% của năm 2019.
Tỷ lệ văn phòng cho thuê còn trống trong quý I/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019 (văn phòng hạng A trống 10,8%; hạng B trống 5,6%). Các khu du lịch, nghỉ dưỡng tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.
“Các chủ đầu tư lớn có tiềm lực tài chính đều triển khai các dự án, trong đó có 56 dự án với hơn 20 nghìn căn hộ đang triển khai; 55 dự án với 18 ngàn căn đã hoàn thành. Nguồn cung nhà ở trung và cao cấp vẫn tăng do dự án hoàn thành tăng. So năm 2018, nguồn cung giảm do dự án tạm dừng đình hoãn từ trước, thủ tục pháp lý hoặc thiếu vốn” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Giải pháp cần sớm đưa vào thực hiện
Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho cộng đồng DN nói chung và DN BĐS nói riêng, trong thời gian gần đây Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, như: Giảm 15% tiền thuê đất do Nhà nước cho thuê đất; giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đất đai, thuế…
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, việc triển khai thực hiện những chính sách của Chính phủ hiện nay rất chậm, liên quan đến nhiều vương mắc về thủ tục ở các bộ, ngành chuyên môn.
“Để giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm thoát khỏi khó khăn và bình phục lại hoạt động sản xuất, thì những chính sách đã được ban hành cần nhanh chóng được đưa vào thực tế. Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành chuyên môn tiếp tục tham mưu với Chính phủ về việc sửa đổi, cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư, cấp phép bán hàng để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai, thu hồi vốn” - ông Đính cho hay.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, có 3 phân khúc khó khăn nhất của thị trường BĐS, đó là mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự liền kề.
Một số giải pháp hồi phục thị trường BĐS được đưa ra như: Thực hiện nhanh và hiệu quả, quyết liệt hơn các gói hỗ trợ; phát huy, khai thác 6 động lực tăng trưởng thay thế bổ sung; quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc đầu tư nước ngoài; kích cầu tiêu dùng nội địa; phát triển kinh tế số, kinh doanh số và Chính phủ điện tử; đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh nhất là cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ rào cản pháp lý, quy trình, đồng thời thúc đẩy nhu cầu về nhà ở…
“Về giải pháp trung và dài hạn: Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến BĐS; đề án chiến lược quản lý và phát triển thị trường BĐS; bài toán quy hoạch; ứng dụng công nghệ thông tin - BĐS số; thiết chế quản lý và nguồn nhân lực vận hành thị trường” - ông Lực nhìn nhận.