Làm thế nào để trẻ hóa đội ngũ văn nghệ

Để phát triển đội ngũ trẻ cần có nguồn lực tài chính, cần có nhiều cách làm mới để đào tạo các văn nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ đi trước truyền cảm hứng, kinh nghiệm sáng tác cho thế hệ sau...

Tre già, măng chưa mọc

Hướng đến Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo “Làm thế nào để trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ” với sự tham dự của đại diện 9 hội chuyên ngành và một số văn nghệ sĩ đang hoạt động văn nghệ tại thành phố Đà Nẵng.

Các bạn trẻ tham gia giải thi phim ngắn tại Đà Nẵng

Các bạn trẻ tham gia giải thi phim ngắn tại Đà Nẵng

Phát biểu tại hội thảo, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Đang có tình trạng “tre già, măng chưa mọc” ở tất cả các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp hội. Vấn đề này cũng có sự khác nhau giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn và việc trẻ hóa đội ngũ biểu diễn gặp nhiều khó hơn. Để phát triển đội ngũ trẻ cần có nguồn lực tài chính, cần có nhiều cách làm mới để đào tạo các văn nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ đi trước truyền cảm hứng, kinh nghiệm sáng tác cho thế hệ sau. Để “đứng trên vai người khổng lồ” thì cần tổ chức nhiều lớp đào tạo, nói chuyện chuyên đề, chuyên môn sâu để không ngừng nâng cao kiến thức không kể lớp trẻ hay già trong sinh hoạt học thuật. Thành lập những mô hình câu lạc bộ trẻ để tạo nguồn lực phát triển hội.

Nhạc sĩ Văn Thu Bích với tham luận “Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, sự tiếp nối thế hệ đầy trách nhiệm” chia sẻ: Vấn đề tiếp nối các thế hệ, trẻ hóa đội ngũ hoạt động âm nhạc vẫn là thách thức lớn không chỉ đối với Hội Âm nhạc Đà Nẵng. Bên cạnh đội ngũ biểu diễn trẻ khá hùng hậu thì tương phản lại, lực lượng nhạc sĩ sáng tác, lý luận trẻ của hội khá mỏng, thể hiện qua số lượng nhạc sĩ sáng tác, lý luận trẻ, cũng như qua số lượng tác giả xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia, quá ít những tác giả trẻ ra đời trong các thập niên 80, 90. Tác giả trẻ thì thừa năng động, sáng tạo nhưng thiếu kinh nghiệm, chín chắn. Còn nhạc sĩ cao niên, trung niên thì ngược lại, cho nên việc bổ khuyết cho nhau của hai lực lượng này là hết sức cần thiết.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Huân sau khi thẳng thắn nêu rõ trách nhiệm của những người “thầy già” đối với thế hệ kế tiếp về sự phát triển của nền nghệ thuật múa. Ông đã góp ý: Cái thiếu sót lớn nhất của thế hệ trẻ làm công tác sáng tác của ngành nghệ thuật múa Việt Nam là ít chịu đọc, kiến thức văn học nghệ thuật hạn hẹp. Ngay ở Hội nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng cũng hiếm có biên đạo viết được kịch bản hoặc có công trình nghiên cứu, lý luận”.

Chú trọng đầu tư thế hệ kế thừa

Trong khi ở các hội chuyên ngành khác, việc kế thừa của thế hệ trẻ là một thách thức thì về hoạt động mỹ thuật, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cho rằng: Thế hệ kế cận trong lĩnh vực mỹ thuật Đà Nẵng khá đông đảo, quy tụ được nhiều anh chị em có nghề, được đào tạo bài bản thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x. Có thể thấy, những sáng tác mới của lớp trẻ không chỉ góp phần kế thừa mà còn đưa mỹ thuật thành phố uyển chuyển tiếp cận với nghệ thuật đương đại…

Họ có niềm đam mê và luôn khát khao tìm đến cái “đích”, cái “chân thiện mỹ” của nghệ thuật để gửi gắm những tư tưởng, những suy nghĩ về cuộc sống và con người chân thực. Họ yêu nghề, say mê sáng tạo và luôn tự tìm tòi cái mới. Về kinh nghiệm sáng tác có thể họ chưa chín muồi, nhưng giới mỹ thuật Đà Nẵng rất tin tưởng vào tài năng của lớp họa sĩ kế cận hiện nay.

Với tham luận “Thế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội”, Ths. Đinh Thị Trang đã nêu bật những thành tựu, đóng góp của hội viên trẻ qua những công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng trong thời gian gần đây, khẳng định đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự tiếp nối của thế hệ trẻ để góp phần làm cho hội ngày càng phát triển…

Tuy nhiên, theo Ths. Đinh Thị Trang, hiện nay Hội Văn nghệ dân gian chỉ có 42 hội viên, mà hội viên trẻ chỉ có 7 người. Việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ người trẻ tham gia công tác hội là rất cần thiết, bởi lớp người đi trước ngày càng lớn tuổi, cần có lớp kế cận để tham gia duy trì và gánh vác công việc của hội. Có thể thu hút hội viên trẻ trong nhà trường, từ các trường đại học trên địa bàn thành phố hoặc từ các đơn vị làm công tác văn hóa tại các phường, quận để bổ sung. Phối hợp với các trường đại học tổ chức các hoạt động học thuật để bạn trẻ biết về hội, tham gia vào các hoạt động hội.

Cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nêu vấn đề cần được tìm lời giải đáp từ phía các hội chuyên ngành. Đó là việc kết nối giới văn nghệ sĩ với trường học, nhất là trường phổ thông trung học? Hay hình thức sinh hoạt CLB trẻ trong các hội chuyên ngành, việc kết nạp hội viên trẻ của các hội chuyên ngành có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trẻ trong giới văn nghệ sĩ? Hình thức mở trại sáng tác thiếu nhi ở hai chuyên ngành văn học và mỹ thuật hàng năm có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trẻ trong giới văn nghệ?

Tại hội thảo, đại diện của 9 hội chuyên ngành và một số văn nghệ sĩ đã tham gia nhiều tham luận và trao đổi cụ thể về các vấn đề liên quan đến hội chuyên ngành của mình. Các ý kiến trao đổi tại hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp để góp phần trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đăng Khoa qua chủ đề tham luận “Vai trò của thế hệ nhiếp ảnh đi trước và thế hệ tiếp nối” đã đề xuất những kế hoạch phát triển phong trào nhiếp ảnh trong giới trẻ. Bao gồm: Tổ chức những lớp nhiếp ảnh cho các bạn trẻ yêu thích chụp ảnh nghệ thuật để nâng chất lượng hình ảnh. Tổ chức những cuộc nói chuyện chuyên đề về các thể loại nhiếp ảnh như: chân dung, phong cảnh, thể thao, động vật hoang dã… do hội viên của hội có chuyên môn sâu đảm trách.

Bài và ảnh Trần Trung Sáng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/lam-the-nao-de-tre-hoa-doi-ngu-van-nghe-90151.html