Làm thế nào để xử lý tình trạng trúng đấu giá cao rồi bỏ cọc?
Tình trạng trúng đấu giá quyền khai thác rất cao sau đó liền 'bỏ cọc' diễn ra ở nhiều địa phương, khiến cơ quan nhà nước đau đầu giải quyết. Nâng cao mức đặt giá, phạt nặng tới 50% mức đã đặt giá, cũng như áp chế tài phạt tiền, cưỡng chế chi trả chi phí tổ chức đấu giá là những phương án đặt ra trong quá trình sửa đổi luật đấu giá tài sản.
Lần đầu tiên, Đà Nẵng mở phiên đấu giá công khai hai mỏ đất vào cuối năm 2021. Từ giá khởi điểm hơn 3,6 tỷ đồng, có 2 đơn vị đã trả đến 52,8 tỷ đồng và trúng giá. Địa phương kỳ vọng việc đấu giá sẽ loại bỏ tình trạng “xin cho”, “đi đêm” trong cấp phép khoáng sản, giải quyết được tình trạng thiếu vật tư xây dựng nghiêm trọng trong thời điểm đó. Thế nhưng, sau đó, hai doanh nghiệp đã bỏ thầu, cơ quan nhà nước chỉ thu được tiền đặt cọc là gần 277 triệu và 6 tháng sau mới được đấu giá lại với chi phí tổ chức rất lớn.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá với số tiền rất cao so với khởi điểm, gây thiệt hại cho cơ quan quản lý cũng như làm chậm tiến độ khai thác. Tại hội thảo góp ý Luật Đấu giá tài sản do Ủy ban Kinh tế tổ chức, có ý kiến cho rằng cần tăng chế tài xử lý tài chính với những trường hợp này.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm rằng việc áp chế tài tài chính với trường hợp bỏ cọc trong khi họ đã mất khoản cọc đóng để đấu giá là không phù hợp. Nâng mức đóng tiền đặt trước là giải pháp trong dự thảo luật được nhiều ý kiến đồng tình nhằm ràng buộc trách nhiệm cao hơn đối với người tham gia, hạn chế tình trạng bỏ cọc.
Đồng quan điểm về việc tăng tiền đặt cọc đấu giá, tuy nhiên, để bảo đảm tính cạnh tranh và công bằng, các đại biểu cũng cho rằng nên quy định rõ biên độ chênh lệch đặt cọc mức tối thiểu và mức tối đa, tùy theo giá trị, vị trí tài sản, đồng thời chủ động tiến hành thăm dò địa chất, xác định cụ thể trữ lượng, chất lượng mỏ khoáng sản rồi mới tiến hành đấu giá, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.