Làm thế nào đo được nơi sâu nhất Trái Đất?
Làm thế nào khoa học xác định được đây là điểm sâu nhất Trái Đất, cũng như đo độ sâu ở đó?
Kathy Sullivan, nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên ra vũ trụ vừa tạo nên một kỷ lục mới vào ngày 7/6 vừa qua, khi trở thành người phụ nữ đầu tiên chạm tới Challenger Deep, điểm thấp nhất của đại dương.
Challenger Deep được biết đến là điểm thấp nhất trong Rãnh Mariana, một khoảng giữa mảng kiến tạo trải dài hơn 2.400 km dọc theo phía tây Thái Bình Dương. Nơi đây được cho là khu vực có vực thẳm sâu nhất trong tất cả các đại dương trên thế giới. Ở độ sâu lên tới hơn 10.000m, áp suất có thể chạm ngưỡng hơn 1.020 atm. Để dễ so sánh, áp suất hàng ngày với con người dao động ở mức 1 atm.
Làm thế nào để chúng ta biết rằng Challenger Deep là điểm sâu nhất trên Trái đất. Liệu rằng có điểm nào trên thế giới sâu hơn Challenger Deep hay không?
Sự thật là chúng ta không thể biết chắc chắn. Challenger Deep lần đầu tiên được đo bởi đội thám hiểm HMS Challenger vào năm 1875. Chuyến đi nghiên cứu khoa học của đoàn thám hiểm với tổng chiều dài gần 112.000 km trên toàn bề mặt Trái Đất đã đặt nền móng cho ngành khoa học đại dương hiện tại.
Để thăm dò độ sâu của đại dương, các phi hành đoàn chỉ sử dụng những sợi dây thừng dài. Độ sâu đầu tiên được ghi nhận là hơn 8.000 m so với mặt nước biển.
Năm 1951, con số được ghi nhận là hơn 10.000 m khi một tàu thám hiểm khác, cũng được đặt tên là HMS Challenger, đo lại độ sâu bằng cách sử dụng dạng sóng âm thanh: một tín hiệu sóng âm thanh được truyền xuống vực thẳm và sau đó các nhà khoa học đợi nó vang lại, đo thời gian sóng di chuyển dưới nước và từ đó tính ra độ sâu. Sau vài lần cập nhật công nghệ với cách đo chính xác hơn, các nhà khoa học ghi nhận độ sâu của Challenger Deep là 10,99 km.
Sai số cho phép của cách đo này là khoảng 30 m. Do đó, có thể độ sâu trong tương lai của Challenger Deep sẽ thay đổi nhưng không nhiều với những cách đo chính xác hơn.
Có lẽ sẽ khó tìm được nơi nào sâu hơn trên Trái Đất. Ngành khoa học về địa hình dưới mặt nước, từ lâu đã sử dụng các thiết bị sóng siêu âm để tạo ra những bản đồ kỹ thuật số của địa hình dưới nước. Các chùm sóng được rọi xuống đáy đại dương được cập nhật nhiều lần trong một giây và được xác minh bởi các vệ tinh định vị toàn cầu. Đến năm 1997, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một nơi có tên là Sirena Deep, với độ sâu khoảng 10,7 km, kém một chút so với Challenger Deep.
Những bản đồ này chỉ ra rõ ràng rằng rãnh Mariana là nơi sâu nhất có thể đo đạc được. Với việc các nhà nghiên cứu đã sử dụng những loại công nghệ hiện đại nhất để thăm dò đại dương, khả năng xuất hiện những rãnh sâu hơn là rất nhỏ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-the-nao-do-duoc-noi-sau-nhat-trai-dat-post1093963.html