Làm thế nào ngăn chặn 'né' thuế trên TikTok Shop?
Tuy mới ra mắt vào năm ngoái, nhưng TikTok Shop đã nhanh chóng vươn lên thành một trong những nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam.
Sự tăng trưởng này kéo theo sự dịch chuyển của dòng tiền quảng cáo trực tuyến lên TikTok. Nhưng từ đó đã xuất hiện nhiều vấn đề, đặc biệt là dấu hiệu lẩn tránh thuế từ các thực thể tham gia sàn TMĐT này.
Lỗ hổng lớn
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của TikTok Shop trong hệ thống phân cấp TMĐT của Việt Nam là minh chứng cho hiệu quả của việc tích hợp mạng xã hội (MXH) và TMĐT, đồng thời mang đến tầm nhìn hấp dẫn cho tương lai của ngành.
Dù vậy, bên cạnh việc tạo ra cơ hội kiếm tiền cho những người chơi đã thành danh khi họ xem xét cách phản ứng với cách tiếp cận mới từ TikTok, thì TikTok Shop cũng đặt ra những vấn đề mới đối với các cơ quan quản lý về thuế - nhất là khi nền tảng này quá dễ dãi với những thủ tục khi đăng ký tham gia kinh doanh.
Hiện tại, TikTok đã đăng ký thuế tại Việt Nam. Theo quy định từ đầu năm 2022, tổ chức có đăng ký thuế sẽ chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế, còn không phải là tổ chức đã đăng ký, bên mua sẽ trả thêm 10,8% tiền thuế cho TikTok thu hộ để nộp lại cho cơ quan thuế. Nhưng, hiện nay quá trình lập Tiktok Shop lại không nhất thiết phải có mã số thuế.
Cụ thể, nếu đăng ký Tiktok Shop đối với loại hình “công ty” cần cung cấp mã số thuế, còn theo diện “hộ gia đình” hoặc “doanh nghiệp do cá nhân sở hữu” sẽ không cần, dù theo quy định về danh nghĩa người bán hàng trên TikTok Shop là cá nhân phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT), và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên trong năm (theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính).
Tổng cục Thuế đang rà soát, đối chiếu dữ liệu của các đại lý TikTok để có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm lẩn tránh thuế.
Điều này đã tạo kẽ hở cho các cá nhân tham gia nền tảng TMĐT này để “lách”. Đơn cử, mới đây việc lẩn tránh thuế khi kinh doanh qua TikTok Shop dưới hình thức “dịch vụ cho thuê tài khoản TikTok giá rẻ” đã bị phanh phui.
Theo đó, thay vì phải nộp 10,8% thuế (TikTok thu hộ để nộp lại cơ quan thuế), người bán hàng chỉ việc thuê lại tài khoản của các đại lý quảng cáo. Về phía các đại lý lớn của TikTok, theo từng quý TikTok sẽ căn cứ vào tổng giá trị tiền mua quảng cáo trên tài khoản của đại lý, tự động hoàn trả lại 5% để đại lý thực hiện thay nghĩa vụ thuế nhà thầu. Trong khi đó, TikTok có chính sách chi chiết khấu, do đó đại lý càng mở rộng dịch vụ cho thuê tài khoản, càng có lợi.
Trong khi đó, các đại lý có kê khai và đóng thuế thay hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tự giác của họ. Tất nhiên, sẽ nhiều đại lý không báo đầu vào nên đầu ra cũng không xuất hóa đơn VAT, người bán hàng cũng không mất thuế khi thuê lại tài khoản từ các đại lý, thậm chí còn được hưởng chiết khấu lại từ chính các đại lý. Trong trường hợp này, khi các đại lý ẩn đi nguồn doanh thu, ngân sách nhà nước sẽ bị thất thu một nguồn thuế lớn.
Cần kiểm soát chặt
Về thực trạng “lách” thuế trên nền tảng TikTok Shop, đại diện Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết đầu năm 2022 TikTok đã thông báo đến các đối tác mua quảng cáo tại Việt Nam nếu là tổ chức có đăng ký thuế sẽ tự chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế. Còn không phải là tổ chức đã đăng ký, bên mua sẽ trả thêm 10,8% tiền thuế cho TikTok thu hộ để nộp lại Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra hơn 1 năm qua nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không đăng ký thuế vẫn tránh được khoản thuế này, khi chọn cách mua quảng cáo thông qua tài khoản đi thuê của các đại lý có hợp đồng chính thức với TikTok tại Việt Nam. Các đại lý này công khai mời chào dịch vụ cho thuê tài khoản miễn thuế và dùng nhiều cách để hạn chế tối đa việc xuất hóa đơn cho khách, để không phải kê khai thuế.
Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 (số 38/2019/QH14), doanh nghiệp trong và ngoài nước phải có trách nhiệm tự khai, tự nộp thuế đúng với doanh thu. Cơ quan thuế sẽ hậu kiểm với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm và rủi ro.
Đối với hành vi cho thuê tài khoản miễn thuế của các đại lý TikTok, Tổng cục Thuế sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu dữ liệu của các đơn vị này để có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Đối với tổ chức cá nhân được ủy quyền từ các nhà cung cấp nước ngoài, ngành thuế tiếp tục rà soát nghĩa vụ kê khai và đánh giá giữa doanh thu và nghĩa vụ, nếu không phù hợp sẽ áp dụng các chế tài quản lý phù hợp để yêu cầu thực hiện kê khai đúng và đủ đối với Nhà nước.
Về thông tin các đại lý tiết lộ hiện có đến 50% khách hàng lớn đều yêu cầu các đại lý TikTok cung cấp dịch vụ thuê tài khoản miễn thuế và không có hóa đơn, đại diện Cục thuế doanh nghiệp lớn cho biết, hóa đơn là trong chứng từ rất quan trọng để người ta được khấu trừ chi phí đầu vào. Qua công tác rà soát và quản lý, cơ bản các tổ chức sử dụng dịch vụ tuân thủ yêu cầu bên bán phải xuất hóa đơn.
Hiện nay, cơ quan thuế cũng đã áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc, thuận lợi cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể thực hiện việc đó. Việc không lấy hóa đơn nếu có chỉ diễn ra ở các cá nhân nhỏ lẻ, còn đối với các doanh nghiệp có đăng ký nộp thuế theo phương pháp doanh thu - chi phí, họ phải yêu cầu các đại lý xuất hóa đơn để được khấu trừ Thuế VAT đầu vào và ghi nhận chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Được biết, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 18 với chỉ đạo đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu lớn phục vụ phát triển TMĐT. Thời gian tới, với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thuế sẽ có thêm nhiều cơ sở dữ liệu để quản lý thuế TMĐT, trong đó bao gồm cả dịch vụ TMĐT xuyên biên giới.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/lam-the-nao-ngan-chan-ne-thue-tren-tiktok-shop-post106993.html