Làm thêm dịp hè: Nhà trường hỗ trợ thầy cô
Nhiều trường học đã cho giáo viên mượn phòng học để mở các lớp ôn tập, phụ đạo trong hè cho học sinh có nguyện vọng củng cố kiến thức.
Với giáo viên, nhân viên hợp đồng, các trường linh động tạo việc làm và giới thiệu việc làm phù hợp để giữ chân người lao động.
Khai thác cơ sở vật chất trường lớp
Nhiều năm nay, Trường THPT Bình Sơn (Bình Sơn, Quảng Ngãi) có chủ trương cho giáo viên mượn phòng học để mở các lớp phụ đạo, ôn tập ngay tại trường cho học sinh có nhu cầu. Thầy Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng cho biết: “Vài năm trở lại đây, chỉ một bộ phận nhỏ học sinh có mong muốn trúng tuyển vào trường đại học tốp đầu mới đăng ký luyện thi. Vì vậy, các lớp luyện thi, ôn tập khoảng từ 15 - 20 em/lớp. Rất ít môn học có sĩ số đông”.
Với sự hỗ trợ của ban giám hiệu, các lớp ôn tập trong hè của giáo viên Trường THPT Bình Sơn được tổ chức tại trường. Theo giải thích của cô Lê Thị Kim Bông - Tổ trưởng Tổ Hóa học Trường THPT Bình Sơn mượn phòng học để dạy tại trường sẽ giúp những em có nhu cầu học 2 - 3 môn không phải di chuyển từ nơi này qua nơi khác, vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo an toàn. Hơn nữa, phòng ốc cũng đảm bảo quy chuẩn, từ bàn ghế, ánh sáng, quạt mát…
“Tâm thế của người dạy và học cũng khác khi các lớp học được tổ chức tại trường, dù là lớp học thêm. Tài sản cá nhân của học sinh như xe đạp cũng được trông giữ đảm bảo”, cô Bông chia sẻ.
Dù nhà trường cho mượn phòng học để dạy thêm trong hè, nhưng theo cô Bông, giáo viên có sự thống nhất trong sắp xếp thời khóa biểu. Điều này, giúp hạn chế học sinh đăng ký học 1 môn với 2 thầy cô khác nhau. Các em vừa tốn kém tiền bạc lại không còn nhiều thời gian cho việc tự học. Nhóm giáo viên dạy hè tại trường cùng thống nhất sẽ gửi chi phí điện, nước, bảo quản cơ sở vật chất cho nhà trường và bồi dưỡng thêm cho nhân viên bảo vệ.
Một số trường tiểu học ở quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) như Lý Công Uẩn, Trần Thị Lý cũng tạo điều kiện cho giáo viên mượn phòng học để tổ chức các lớp ôn tập, phụ đạo dịp hè.
Trước khi bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) qua kênh giáo viên chủ nhiệm, đã thông báo lịch mở cửa thư viện hè cho phụ huynh học sinh biết.
Ngoài mở cửa thư viện phục vụ học sinh và nhân dân trong dịp hè, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Năm nay, nhà trường vẫn duy trì các câu lạc bộ (CLB) như: Tin học, bóng bàn, bóng rổ và bơi lội. Với bơi lội, học phí sẽ được tính theo giá dịch vụ vì bể bơi do ngân sách Nhà nước đầu tư và liên quan đến kinh phí lọc, thay nước.
Riêng đối với bóng bàn, bóng rổ, học phí có sự thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên thể dục. Nhà trường cho giáo viên mượn sân miễn phí để tổ chức dạy. Học sinh tham gia các CLB này đồng thời là nguồn lực để hình thành đội tuyển các môn thể thao dự thi Hội khỏe Phù Đổng các cấp của trường”.
Với nhân viên kế toán phụ làm công việc liên quan đến bán trú, trong 3 tháng hè sẽ không có lương. Vì vậy, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh vận động từ các nguồn để hỗ trợ với mức 2 triệu đồng/tháng nhằm tất toán hồ sơ bán trú, kiểm tra, phân loại đồ dùng phục vụ bán trú.
Giữ chân giáo viên hợp đồng
Từ ngày 15/6, cô Hồ Thị Hiệp - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My) có 3 ngày dạy học tại trường. Đây là lớp học phụ đạo miễn phí nhằm củng cố kiến thức cho những học sinh có lực học dưới trung bình. Dù một năm học chỉ có 9 tháng nhưng giáo viên hợp đồng như cô Hiệp được trả lương đầy đủ dịp hè. Vì vậy, các lớp phụ đạo, tiền tiểu học của nhà trường đều do giáo viên hợp đồng đứng lớp.
Chia sẻ của thầy hiệu trưởng Võ Đăng Chín, nếu không trả lương dịp hè thì những giáo viên hợp đồng sẽ rất khó khăn bởi mức lương họ nhận được trong năm học quá thấp. Ở miền núi, thầy cô gần như không tổ chức dạy thêm có thu phí như vùng đồng bằng. Vì vậy, giáo viên hợp đồng không có nguồn thu nào khác. Để giữ chân giáo viên hợp đồng trong điều kiện khan hiếm nguồn tuyển, các trường học kiến nghị trả thêm tiền lương trong hè.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam), dù học sinh nghỉ học về địa phương từ tháng 6 nhưng trường còn nhiều đầu việc phải giải quyết. Vì vậy, 5 giáo viên và nhân viên hợp đồng của nhà trường được giao các công việc như điều tra phổ cập giáo dục, hoàn thiện hồ sơ kiểm định, xây dựng trường chuẩn.... Theo thầy Hiệu trưởng Hồ Văn Hạnh, trong sắp xếp công việc, nhà trường chủ trương chỉ bố trí từ 2 - 3 ngày để thầy cô có thời gian nghỉ hè như những giáo viên biên chế khác.
Nhiều phụ huynh thành phố có chung mong ước như chị Phạm Thị Ngọc Quỳnh (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là con được học hè theo kiểu vừa học vừa chơi, nếu có thể thì kết hợp thêm các môn năng khiếu, rèn luyện thể thao hoặc lớp kỹ năng sống trong môi trường thật sự an toàn, lành mạnh và học phí ở mức hợp lý. Tổ chức hoạt động hè ngay tại trường học là ý tưởng được nhiều phụ huynh ủng hộ với những lợi thế về cơ sở vật chất, giáo viên… Nhà trường có thể trở thành sân chơi bổ ích cho học sinh, giúp phụ huynh an tâm.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-them-dip-he-nha-truong-ho-tro-thay-co-post688683.html