Làm thêm dịp hè: Ủng hộ việc làm chính đáng
Ủng hộ GV làm thêm trong dịp hè, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch CĐGDVN đồng thời lưu ý thầy cô lựa chọn cẩn thận để không ảnh hưởng hình ảnh nhà giáo.
Nhiều việc trong hè
- Bước vào kỳ nghỉ hè, giáo viên sẽ có những hoạt động gì, thưa ông?
- Giáo viên có đặc thù riêng so với các ngành nghề khác. Họ làm việc 9 tháng với những hoạt động giảng dạy, giáo dục học sinh và có 3 tháng nghỉ hè. Nghỉ hè là khoảng thời gian để bồi dưỡng sức khỏe để có tâm thế, tinh thần và nguồn năng lượng tốt nhất cho năm học mới.
Tuy nhiên, trong 3 tháng hè, giáo viên phải làm nhiều việc khác ngoài nhiệm vụ giảng dạy. Chẳng hạn, giáo viên trường mầm non, trường phổ thông ngoài tái tạo lại năng lượng, chăm sóc gia đình còn phải tự bồi dưỡng để có năng lực đáp ứng yêu cầu trong năm học mới.
Cùng đó là nhiều việc của nhà trường trong dịp hè như phụ đạo cho học sinh cuối cấp ôn thi, chuẩn bị hồ sơ để tuyển sinh đầu cấp, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hoạt động hè cho học sinh...
Cán bộ, giảng viên các trường đại học phải tham gia các công việc tuyển sinh vào mùa Hè. Đây cũng là thời gian họ bận rộn, khó khăn hơn thời điểm khác trong năm bởi công tác tuyển sinh hiện nay thực hiện theo các quy định mới, quy trình khác nhiều so với những năm trước.
- Việc tổ chức tập huấn cho giáo viên thường diễn ra dịp nghỉ hè. Hoạt động này có ảnh hưởng đến kỳ nghỉ của giáo viên?
- Giáo viên phổ thông nói riêng và giáo viên các cấp học nói chung có nhiệm vụ bồi dưỡng. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi 2 cách: Thứ nhất đi tham dự các lớp tập huấn được tổ chức bởi nhà trường hoặc đơn vị chuyên môn cấp sở, cấp bộ; thứ hai giáo viên tự bồi dưỡng.
Việc tự bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên rất cần thiết. Ví dụ giáo viên phổ thông có 100 tiết tự bồi dưỡng/năm học. Thông thường, hoạt động tự bồi dưỡng rải ra trong năm, nhưng đa số quỹ thời gian tự bồi dưỡng được giáo viên thực hiện trong hè.
Tại các trường học hiện nay, đặc biệt là trường phổ thông tập trung cao điểm cho giai đoạn cuối của chu kỳ đổi mới giáo dục phổ thông. Mà chu kỳ này có những nội dung và cách thức giảng dạy, giáo dục mới. Giáo viên trong dịp hè phải đến những lớp tập huấn do Bộ, sở tổ chức để tiếp cận với những nội dung, cách thức dạy học mới để chuẩn bị cho năm học mới. Tham dự các lớp tập huấn này, giáo viên được hưởng chế độ ngoài giờ mặc dù không cao.
Cân bằng với chuyên môn
- Trong dịp hè, nhiều giáo viên tổ chức dạy thêm cho học sinh. Ông có ý kiến thế nào về việc này?
- Theo tôi, giáo viên có trách nhiệm, nghĩa vụ hỗ trợ người học khi họ có nhu cầu. Rất nhiều thầy cô dạy thêm, dạy ngoài giờ, thậm chí dạy trong hè chỉ nhằm mục đích hỗ trợ học sinh.
Qua các phương tiện truyền thông và thực tiễn công tác quan sát tại cơ sở, trường học, địa phương, chúng tôi cũng được biết nhiều giáo viên phụ đạo cho học sinh không lấy tiền. Các thầy cô dạy thêm hoàn toàn tự nguyện, cống hiến, mong muốn học sinh có đủ kiến thức để bước vào năm học mới.
Nếu như nói đến dạy thêm ở khía cạnh tiêu cực, thu tiền và bắt học sinh đi học, thì đấy là cá biệt. Bởi giáo viên đều có lòng tự trọng. Trong dịp hè, phần lớn tổ chức dạy thêm xuất phát từ nhu cầu gửi con của phụ huynh, được tăng thêm kiến thức của học trò và giáo viên làm việc này từ sự cống hiến nhiều hơn thu nhập.
- Nhiều giáo viên tranh thủ kỳ nghỉ hè để làm thêm, góp phần trang trải cuộc sống. Ông có ủng hộ việc này?
- Ai cũng biết lương của giáo viên, cán bộ, viên chức nói chung còn eo hẹp, trong khi nhu cầu chi tiêu ngày một cao. So với mặt bằng chung của xã hội thì thu nhập của giáo viên thấp. Do đó, việc họ kiếm thêm thu nhập từ những việc làm thêm lương thiện, với tôi đấy là điều chính đáng.
Để kiếm thêm thu nhập, họ cũng cần có những năng lực đặc biệt. Những giáo viên làm thêm, kiếm thêm thu nhập mà không làm tổn hại đến danh dự của bản thân cũng như đội ngũ giáo viên, theo tôi nghĩ nên khuyến khích.
Tất nhiên khi giáo viên đi làm thêm thì có những việc dưới góc nhìn khác nhau, có sự nhạy cảm. Đôi khi, việc này cũng làm tổn thương, tổn hại đến hình ảnh, uy tín nhà giáo. Có giáo viên phải đi làm những việc vất vả mà đáng ra dưới con mắt của xã hội thì không nên làm, nhưng họ vẫn phải làm. Ví dụ như nhặt ve chai, bán hàng rong. Nhưng những việc đó không nhiều và không trách được họ.
Tôi tôn trọng tất cả việc làm đó. Việc nào có thu nhập, không vi phạm pháp luật, không xấu thì nên làm. Nhưng cố gắng những việc làm đó không ảnh hưởng đến chuyên môn. Thậm chí còn là hình ảnh tốt, có tác dụng nêu gương, giáo dục cho học sinh những cách thức lao động chân chính.
- Làm thêm dịp hè là câu chuyện liên quan đến thu nhập giáo viên còn thấp. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có kiến nghị gì về vấn đề này?
- Nâng cao thu nhập của nhà giáo là vấn đề mà Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngành Giáo dục đào tạo và cả xã hội quan tâm, mong đợi đến một lúc nào đó, lương, thu nhập của viên chức nói chung và giáo viên nói riêng đáp ứng được những yêu cầu cuộc sống, để họ không phải đi kiếm thêm, làm thêm.
Mới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với giáo viên cả nước và nhiều cuộc trao đổi khác về những vấn đề giáo dục đang được quan tâm. Trong các cuộc đối thoại có nhiều ý kiến về lương, thu nhập của giáo viên. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm đề xuất với Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan để giải quyết những vấn đề này.
Bên cạnh đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng tiến hành khảo sát việc thực hiện chế độ chính sách, tiền lương và thu nhập của nhân viên kế toán, thư viện, thiết bị văn thư, y tế tại trường học (gọi chung là nhân viên trường học). Mục đích của khảo sát là hiểu tâm tư, nguyện vọng và tập hợp kiến nghị, đề xuất lên cấp trên có thẩm quyền xem xét và điều chỉnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
“Làm thêm giúp giáo viên tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. 3 tháng hè mà kiếm được việc làm tốt, để có thu nhập nuôi mình, ổn định cho gia đình mình trong 9 tháng tiếp theo, tôi nghĩ là đáng khen”, ông Nguyễn Ngọc Ân nhìn nhận.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-them-dip-he-ung-ho-viec-lam-chinh-dang-post688684.html