Làm thêm tăng được chục triệu thu nhập, thuế TNCN trừ mất luôn khoản tiết kiệm
Mong thoát cảnh ở trọ, chị Hoài nhận thêm nhiều công việc hơn ở cơ quan để tăng thu nhập. Khi lương đổ về tài khoản, chị cảm thấy 'choáng' khi nhìn số tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Co kéo chi tiêu, vẫn phải nộp thuế hàng triệu đồng mỗi tháng
“Tháng này thấy lương về không còn vui như trước”, chị Lê Thị Thu Hoài ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ khi nhìn số lương tháng 3 của mình được nhận.
Chị Hoài năm nay 27 tuổi vẫn độc thân. Bố mẹ già ở quê đều làm nông, thu nhập bấp bênh. Thế nên, chị gánh luôn phần trách nhiệm nuôi em trai ăn học đại học. Chưa có nhà riêng, 2 chị em phải đi ở trọ, chi tiêu sinh hoạt đội lên rất nhiều.
Chỉ riêng tiền nhà trọ, điện nước, Internet đã ngốn của chị hết 6 triệu đồng/tháng. Tiền chi tiêu sinh hoạt, học phí của em trai, tiền hiếu hỉ,... mỗi tháng cũng hết 10 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản 3 triệu đồng gửi về quê phụng dưỡng bố mẹ già hàng tháng. Nhẩm tính, mỗi tháng, chị chi tiêu hết khoảng 19 triệu đồng dù đã cắt giảm đi nhiều khoản như mua sắm, du lịch, giải trí...
Thu nhập trung bình năm ngoái của chị ở mức 25 triệu/tháng. Chị vẫn độc thân, bố mẹ ở quê chưa hết tuổi lao động nên không có giảm trừ gia cảnh. Sau khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN), số tiền tiết kiệm được chẳng đáng là bao.
Năm nay, chị đặt mục tiêu tăng thu nhập, nhận thêm nhiều công việc ở cơ quan hơn mong sớm “thoát cảnh ở trọ”. Tháng 3 này, tổng thu nhập của chị được 30 triệu đồng, song nhìn vào số tiền công ty tạm khấu trừ thuế TNCN khiến chị choáng váng.
Trừ 11 triệu đồng giảm trừ cho bản thân theo quy định, phần thu nhập chị phải nộp thuế là 19 triệu đồng, tương đương bậc 4 với thuế suất 20%.
"Tính ra, số tiền “cày ngày càng đêm” làm thêm nhận về chỉ tăng 4 triệu đồng, nhưng mức thuế phải nộp lại rất cao do áp bậc lũy tiến", chị Hoài buồn rầu chia sẻ về số tiền 2,3 triệu đồng thuế TNCN phải nộp.
Không ít người rơi vào trạng thái "sốc" như chị Hoài khi bỗng nhiên để ý để mức nộp thuế thu nhập cá nhân.
Chị Đào Thị Yến ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) kể, chồng là giáo viên, thu nhập chỉ trên 16 triệu đồng một tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh không phải nộp thuế TNCN. Còn chị thu nhập 29 triệu/tháng, mỗi tháng bị khấu từ 1,3 triệu đồng thuế TNCN sau khi giảm trừ gia cảnh 1 người phụ thuộc, trừ tiền bảo hiểm,... Số tiền thực nhận còn 27 triệu đồng.
Nhà có 2 con nhỏ đang học tiểu học. Tiền học (trường công), học tiếng Anh, tham gia các câu lạc bộ... mỗi tháng hết khoảng 10 triệu đồng, song mức giảm trừ gia cảnh vẫn chỉ 4,4 triệu đồng/người. Chi tiêu sinh hoạt cho gia đình 4 người hết khoảng 15 triệu đồng/tháng dù đã chắt bóp từng đồng. Ngoài ra, mỗi tháng vợ chồng chị phải trả 14 triệu đồng tiền gốc và lãi vay khi mua nhà.
"Với tổng thu nhập của gia đình là 43 triệu đồng, trừ đi các khoản chi tiêu còn dư 4 triệu đồng. Tháng nào có thêm đám hiếu, hỉ hay ốm đau bệnh tật thì coi như không dư đồng nào, thậm chí thâm hụt", chị Yến tâm sự. Dù vậy, chị Yến vẫn phải nộp thuế TNCN, kê khai đầy đủ các khoản thu nhập, thiếu sẽ bị truy thu, nộp phạt.
Tương tự, lâu nay, anh Phạm Văn Hà (Hà Đông, Hà Nội) cũng không để ý đến tiền thuế TNCN. Nhưng gần đây, công ty thay đổi cách chi trả thu nhập, anh bắt đầu lưu tâm đến thông báo thu nhập hàng tháng. Tháng này, tính cả làm thêm, anh đạt thu nhập hơn 31 triệu đồng. Sau khi trừ đi khoản giảm trừ của bản thân và con trai, anh vẫn phải nộp hơn 1,1 triệu đồng thuế TNCN.
"Thu nhập của tôi nhìn vào thì thấy không phải thấp nhưng chi tiêu của cả nhà chỉ trông vào nguồn này. Tiền vay mua nhà mỗi tháng phải trả ngân hàng gần 9 triệu cả gốc và lãi, cộng chi phí khác thì gần như không để dành được đồng nào. Trong khi chi phí sinh hoạt lúc nào cũng tăng. Nhìn số thuế phải nộp, tôi thấy khá chạnh lòng bởi số tiền phải đóng không nhỏ", anh Hà tâm sự và mong muốn sớm thay đổi cách tính thuế TNCN để những người như anh bớt áp lực.
Chỉ số giá tiêu dùng biến động 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác sẽ phải đóng thuế TNCN sau khi giảm trừ bản thân 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người (nếu có).
Nếu không có người phụ thuộc, thu nhập chỉ cần vượt trên 11 triệu đồng sẽ phải nộp thuế TNCN. Theo khoản 2 Điều 22 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Thu nhập càng cao sẽ phải chịu mức thuế suất càng lớn.
Về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh... Vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Tuy nhiên, thuế thu nhập cá nhân hiện nay bộc lộ nhiều bất cập khi mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá chung, quá nhiều bậc...
Tại họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính về các vấn đề liên quan đến thuế TNCN, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) - cho biết, căn cứ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%.
Khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành từ năm 2009 đến nay, Bộ Tài chính luôn chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thực tế.
Ông dẫn chứng, năm 2012, trên cơ sở đánh giá tình hình, Chính phủ trình Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng. Đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng được nâng lên mức 11 triệu đồng/tháng.
Từ năm 2020 đến nay, mức biến động chỉ số giá tiêu dùng chưa đến 20%. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định.
Về việc sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân, lộ trình vẫn là năm 2025-2026 như Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Khi sửa đổi luật này, chúng tôi sẽ sửa tổng thể các nội dung gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, giảm trừ gia cảnh... ", ông Tuấn cho hay.
Trong khi đó, rất nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh hơn việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, vì những bất cập của luật thuế này đã được Bộ Tài chính nhận diện. Việc để đến năm 2026 mới sửa, là quá muộn.