Lạm thu do đâu?
Cử tri TP Hà Nội vừa gửi kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, gần đây dư luận bức xúc vì một số khoản thu không đúng quy định của hội cha mẹ học sinh. Từ đó, đề nghị Bộ GDĐT xem xét lại hoạt động của hội này.
Kiến nghị xem xét lại hoạt động của hội cha mẹ học sinh
Trước những ý kiến đóng góp, kiến nghị xem xét lại hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học, bởi ở một số nơi xảy ra hiện tượng thu chi sai quy định, Bộ GDĐT đã có phản hồi, khẳng định: Các quy định về điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh đã được Bộ ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.
Trong thông tư quy định rõ, ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, học sinh.
Thông tư cũng quy định rõ về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản không tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban. Cụ thể, có các khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường…
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ GDĐT, hiện nay vẫn còn tình trạng một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh hoặc huy động tài trợ không đúng quy định.
Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục; đồng thời tăng cường truyền thông để phụ huynh học sinh và xã hội hiểu đúng về các quy định tại Thông tư số 55, đặc biệt là các khoản thu không đúng quy định. Bộ GDĐT cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn các sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn tài trợ, ủng hộ theo đúng quy định nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Minh bạch để tránh bức xúc
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế hiện tượng lạm thu đầu năm học, đó là công khai, minh bạch các khoản để phụ huynh nắm rõ và thực hiện đúng. Theo Sở GDĐT Hà Nội, đối với các khoản thu ngoài học phí, năm học 2022-2023, các trường công lập vẫn áp dụng theo Quyết định số 51/ 2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, gồm: Bán trú; học 2 buổi/ngày; nước uống cho học sinh; học phẩm; dạy thêm, học thêm…
Đầu năm học 2022- 2023, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55. Để kịp thời xử lý các thông tin, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở cũng đã yêu cầu các Phòng GDĐT, các nhà trường công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin liên quan đến công tác giáo dục; không thu gộp nhiều khoản vào một thời điểm. Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi; xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng nhà trường để xảy ra sai phạm.
Làm gì để chấm dứt lạm thu trong nhà trường? Đây là trăn trở của dư luận nói chung chứ không chỉ riêng những phụ huynh có con đang đi học. Chỉ biết rằng, mỗi học sinh đến trường gánh trên lưng bạt ngàn khoản thu dưới danh nghĩa “tự nguyện” đang là gánh nặng trên vai của nhiều phụ huynh trong bối cảnh vật lộn suốt 3 năm qua với dịch Covid-19. Nào đâu chỉ lo tiền học phí, lo sắm sửa chu toàn đồ dùng học tập, lo các loại bảo hiểm để an tâm về sức khỏe… Do đó, hội phụ huynh phải là người đại diện cho tiếng nói chung của toàn thể cha mẹ học sinh mạnh dạn phản biện với những việc chưa hợp lý trong thu chi của nhà trường, nỗ lực hỗ trợ giáo viên tham gia vào việc thúc đẩy chất lượng giáo dục. Hội phụ huynh cần làm đúng vai trò của mình: Là một tổ chức tự nguyện có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa phụ huynh học sinh, giáo viên và nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Nhất định không thể là hội... huy động vốn cho nhà trường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-thu-do-dau-5709761.html