Lạm thu hết 'cửa' nếu tiền xã hội hóa công khai, minh bạch

Sau Lễ khai giảng năm học mới đầy vui tươi phấn khởi của học sinh là đến nỗi lo tiền trường của các bậc phụ huynh. Trong đó, xã hội hóa là khoản thu nếu đúng chất tự nguyện sẽ rất thiết thực, tuy nhiên khoản thu này rất dễ bị biến tướng thành khoản 'lạm thu' vào đầu năm học.

Đầu năm học, nhiều phụ huynh ám ảnh với khoản thu xã hội hóa. Ảnh minh họa.

Đầu năm học, nhiều phụ huynh ám ảnh với khoản thu xã hội hóa. Ảnh minh họa.

Khoản thu "bổ trợ" cho giáo dục

Đầu năm học, khi nhắc đến tiền trường, không ít phụ huynh lại tỏ ra ngao ngán vì nhiều khoản thu, đặc biệt là các khoản tiền quỹ, tiền xã hội hóa với nhiều "chiêu thức" khác nhau kêu gọi phụ huynh đóng góp. Dù đây là khoản tiền trường còn gây nhiều tranh cãi, thậm chí không ít Hiệu trưởng đã bị kỷ luật, thậm chí vướng vào lao lý chỉ vì "vẽ vời" ra nhiều khoản đóng góp với số tiền lớn để "bổ đầu" phụ huynh. Không chỉ phụ huynh đau đầu, mà các cấp quản lý ngành Giáo dục, địa phương cũng tìm mọi cách để xử lý dứt điểm, nhưng việc này cũng khá nan giải.

Về khoản thu xã hội hóa, bản thân ngành Giáo dục cũng như các địa phương cũng thừa nhận rằng trong khi ngân sách còn hạn hẹp, việc kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục là việc làm cần thiết, thông qua các hoạt động này nhiều nơi đã có được cơ sở vật chất tốt hơn, phục vụ việc dạy và học của nhà trường… Tuy nhiên, để hạn chế việc lạm thu dưới danh nghĩa xã hội hóa, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều quy định về tài trợ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nghiêm cấm Ban Phụ huynh các trường thu tiền dưới hình thức "bổ đầu", quỹ Ban Phụ huynh không được dùng trong các mục đích nhất định.

Cũng theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, việc tài trợ trong lĩnh vực giáo dục phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Chỉ ra mặt tích cực của xã hội hóa trong giáo dục, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: "Hiện nay, do đầu tư ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp nên có chủ trương xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, có thể để xảy ra tình trạng lạm thu. Để ngăn chặn lạm thu, cần thông tin tuyên truyền cho cha mẹ học sinh hiểu rất rõ về nội dung xã hội hóa theo quy định của Bộ GD&ĐT, đồng thời nêu cao vai trò tham gia, giám sát trong công việc xã hội hóa. Xã hội hóa cần đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch sẽ không còn lạm thu".

Xã hội hóa cần thiết thực và đúng cách

Theo ghi nhận, hiện tại phần lớn các trường trên địa bàn Hà Nội chưa thông báo các khoản tiền đóng góp đầu năm học và chờ đến buổi họp phụ huynh đầu năm. Tuy nhiên, tại một số nơi, nhiều phụ huynh cũng đã được Ban Phụ huynh gợi ý, lấy ý kiến từ sớm để đóng góp một số khoản phục vụ cho lớp học như: Điều hòa, máy chiếu, quạt mát, trang trí lớp học… Không ít phụ huynh ngại đi họp đầu năm bởi vì cả buổi họp phụ huynh chủ đề chính là hoạt động đóng góp, tranh luận về các khoản thu, chi trong năm học trước. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đồng tình với xã hội hóa đúng cách nhằm giúp học sinh có được môi trường học tập tốt hơn.

Khá ủng hộ hoạt động của Ban Phụ huynh lâm thời của con gái đang học lớp 6 tại Trường THCS công lập tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), chị Nguyễn Mỹ Hạnh (đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: "Con đã tựu trường được giữa tháng 8 và đã bước vào học chính luôn khi nhập học, ban phụ huynh lâm thời của lớp cũng đã khảo sát lớp học nêu phương án lắp đặt điều hòa cho lớp học của các con, vì lớp học tầng cao, khá nóng bức… Các phụ huynh lấy ý kiến, biểu quyết nhất trí toàn bộ rồi mới thực hiện. Mọi việc cũng rất minh bạch và có xin phép nhà trường, nên tôi nghĩ tiền xã hội hóa mục đích là tốt, quan trọng là cách làm, nếu làm đúng, hợp lý sẽ được ủng hộ".

Nhắc đến chuyện thu tiền trường đầu năm, một giáo viên ở Hà Nội (không tiện nêu tên) tâm sự: "Đầu năm, giáo viên rất vất vả để giải thích các khoản đóng góp tiền trường đối với từng phụ huynh, mọi hoạt động đều lấy ý kiến phụ huynh trước khi tiến hành… Và cũng rất ngại đứng ra thu tiền trường. Đối với các khoản thu Ban Phụ huynh, hay hoạt động mua sắm của Ban Phụ huynh, giáo viên không tham gia cũng như đứng ra thu khoản đóng góp gì từ Ban phụ huynh. Các khoản mua sắm như điều hòa, máy chiếu phần lớn do phụ huynh khảo sát lớp học tự họp và đề xuất nhà trường cho lắp. Giáo viên hay nhà trường không gợi ý, đứng ra lắp đặt và thu tiền".

Để các khoản thu tiền trường đầu năm học không còn nỗi sợ của các bậc phụ huynh, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học, Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Hiện nay, cũng đã có nhiều quy định về công tác quản lý thu chi tiền trường, việc xảy ra lạm thu nằm ở chính các trường không làm đúng các quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Hoạt động xã hội hóa giáo dục chưa đúng mức, bị biến tướng và một số nơi thu những khoản không cần thiết, thu theo kiểu ép buộc. Cần phải minh bạch hóa, công khai các khoản thu tiền trường trước khi thu, đồng thời nêu cao vai trò giám sát cộng đồng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu".

Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019 - 2020. Theo đó, Bộ đề nghị triển khai tổ chức nghiên cứu và triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng “lạm thu”; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/lam-thu-het-cua-neu-tien-xa-hoi-hoa-cong-khai-minh-bach-20190906193542066.htm