Lạm thu mãi, coi sao được
Năm học 2020-2021 mới bắt đầu nhưng đã lại có chuyện. Mà 'rôm rả' nhất vẫn lại là chuyện phải đóng tiền cho nhà trường. Trong đó, tiền mua sách là ầm ĩ nhất, khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải vội ra văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký (ngày 7/9) để chấn chỉnh. Trong đó, đáng chú ý khi Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các nhà trường. Tuyệt đối cấm ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Phụ huynh học sinh tự mua sắm đồ dùng học tập theo nhu cầu thực tế, không bắt buộc.
Trước hết, hãy bàn về sách tham khảo dùng trong nhà trường.
Nhiều năm qua, “sách tham khảo” trong nhà trường bùng phát trong tất cả các cấp học phổ thông, trong rất nhiều môn học, kể cả môn học đó không cần “tham khảo” vẫn ổn. Đã có thời loại sách “để học tốt” làm mưa làm gió và cũng làm giàu cho người soạn sách giáo khoa khi chính họ lại được “mời” viết sách “để học tốt” - có nghĩa là diễn giải nội dung từng bài trong sách giáo khoa giúp giáo viên lẫn học sinh cùng đều nhàn thân khi dạy và học. Trong vụ này, các nhà xuất bản cùng những nơi chủ trương in sách kiếm bẫm. Ba bốn nơi được tiền, chỉ có một nơi thiệt tiền là phụ huynh học sinh.
Sau này, bị nói quá nhiều thì loại sách “để học tốt” mới tạm lui, nhưng lại xuất hiện nhiều dạng sách tham khảo khác mập mờ với sách giáo khoa khiến cha mẹ học sinh đau đầu. Không mua cho con thì ngại nhà trường, mà mua thì quá tốn kém.
Nhiều chuyên gia ngành giáo dục cho rằng trên thế giới không có hệ thống giáo dục phổ thông nào lại có nhiều sách tham khảo như ở nước ta. Trong khi sách giáo khoa được coi như pháp điển thì sách tham khảo khác nào vẽ rắn thêm chân, đành rằng không phải những gì in trong loại sách này đều là thừa thãi.
Một phụ huynh có con học lớp 8 cho biết nhận từ giáo viên chủ nhiệm danh mục sách phải mua, liệt kê lên tới 39 đầu sách giáo khoa và sách bổ trợ, còn 17 đầu sách khác thuộc nhóm “tự chọn”. Tổng số tiền của sách bắt buộc phải mua trên 755.000 đồng, còn số tiền sách “tự chọn” là 434.000 đồng. Tính cả hai loại trong danh mục gần 1,2 triệu đồng. Đó mới chỉ là tiền sách, chưa kể các loại tiền đầu năm mà một học sinh trung học phải mua như đồng phục, tiền nước sạch, tiền vệ sinh, tiền gửi xe, tiền hỗ trợ bán trú, học phí...
Vị phụ huynh nọ than, Covid-19 hoành hành, ai cũng khó cả, bớt chi đồng nào quý đồng ấy thế mà khi con đi học lại phải đóng tiền quá nhiều. Thật là khổ sở. Trong khi Chính phủ phải dành dụm các khoản chi để có những gói hỗ trợ cho người nghèo, hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn gượng dậy thì nhà trường lại vẫn có quá nhiều khoản thu. Chỉ riêng việc phải mua những xuất bản phẩm tham khảo (dù là với danh nghĩa “tự chọn”) thì cũng thật vô lý, thiếu sự san sẻ trong bối cảnh khó khăn chung.
Nhân đây cũng cần trở lại với cuộc tranh luận “nhà trường hay thị trường” kéo dài đã bao năm nhưng vẫn không đến hồi kết. Đã từng có lúc, có nơi người ta nhân danh “xã hội hóa giáo dục” để đẻ ra vô số các khoản thu. Trong “vụ” này, trách nhiệm của Hội cha mẹ học sinh là rất quan trọng (nói cách khác là rất nghiêm trọng). Ở nhiều trường, những người được vào hội này thường là người có điều kiện kinh tế khá giả, trở thành “cánh tay nối dài” của ban giám hiệu. Đầu năm học, hết học kỳ 1, kết thúc năm học các thành viên của “hội” lại ngồi lại với nhau đặt ra các khoản thu bổ đầu từng học sinh. Học sinh con nhà khá giả đã đành, nhưng học sinh con nhà lao động nghèo thì méo mặt, mà đây lại là số đông. Ấy mới có chuyện có vị được ban giám hiệu nhà trường tín nhiệm giữ làm chủ tịch Hội cha mẹ học sinh trường kỳ từ năm nay sang năm khác.
Thế nên, hãi “cung cách hoạt động liên kết” giữa ban giám hiệu với Hội cha mẹ học sinh, không ít người cho rằng tốt nhất là giải tán cái hội này đi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, giận thì nói thế thôi, Hội cha mẹ học sinh vẫn tồn tại vì có phải sinh ra chỉ để vẽ cách thu tiền đâu khi “đồng mưu” với giám hiệu nhà trường.
Còn cái nạn “sổ vàng” được cho là dựa trên đề xuất của Hội cha mẹ học sinh cũng rất ghê gớm. Ai “tự nguyện” đóng góp thì được lưu danh trong “sổ vàng” thế thì ai còn dám không “tự nguyện” đóng góp vì tên tuổi lồ lộ ra đấy.
Trở lại với câu chuyện mua sách, nói như ông Thái Văn Tài - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT), Bộ GDĐT không có bất cứ một quy định nào về việc học sinh tiểu học phải mua sách bổ trợ, sách tham khảo. Phụ huynh cần nắm rõ thông tin để phối hợp hiệu quả, phù hợp với nhà trường trong trang bị sách và đồ dụng học tập cho học sinh.
Nghe thì rất đúng, nhưng ông Tài hãy thử đặt mình vào vị trí một phụ huynh là người lao động bình thường, có con đi học xem liệu có “khước từ” được không.
Suy cho cùng từ nhà trường chuyển sang thị trường thì mất nhà trường. Lạm thu mãi thế, coi sao được.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-thu-mai-coi-sao-duoc-506936.html