Lạm thu trong trường học: Cần quy trách nhiệm hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm

Để xảy ra tình trạng lạm thu ở trong trường mỗi dịp đầu năm học mới, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu.

Thông tư 55/2021/TT-BGDĐT ngày 22/11/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh là văn bản pháp lý để các trường phổ thông triển khai thực hiện đúng quy định về thu, chi. Tuy nhiên, thực tế tình trạng lạm thu vẫn diễn ra ở một số cơ sở giáo dục vào mỗi dịp đầu năm học.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, trên các diễn đàn xôn xao một bảng dự toán thu chi quỹ phụ huynh của lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).

Bảng dự toán thu chi của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, Quận Bình Thạnh (ảnh chụp màn hình)

Bảng dự toán thu chi của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, Quận Bình Thạnh (ảnh chụp màn hình)

Tổng cộng theo bảng kê này, số tiền thu được từ quỹ phụ huynh của lớp 1/2 là 313.300.000 đồng, đã chi 260.328.500 đồng, và vẫn còn 52.971.500 đồng. Được biết, để huy động được số tiền như đã nêu ở trên, mỗi phụ huynh trong lớp đã phải đóng 10 triệu đồng. Tổng số học sinh của lớp 1/2 là 32 học sinh. Sau khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà hứa sẽ rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại tình hình thu chi của lớp 1/2 trong trường [1]

Tại Hà Nội, cũng vào cuối tháng 9, lớp 12 Văn của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An phải trả lại 4,5 triệu đồng/phụ huynh do thu quỹ sai quy định. Hay bản dự trù kinh phí hoạt động của ban phụ huynh Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) với số tiền hơn 500 triệu đồng;... [2]

Theo một số chuyên gia, những khoản thu gây tranh cãi tập trung ở: Quỹ trường, quỹ lớp; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; tổ chức các hoạt động ngoại khóa; vệ sinh, sửa chữa các cơ sở vật chất. Tuy nhiên, điều quan trọng là các địa phương cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Khi phát hiện có dấu hiệu của lạm thu, người đứng đầu - hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó đến các cá nhân có liên quan.

Cần quy trách nhiệm hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm

Bàn về trách nhiệm của hiệu trưởng khi xảy ra tình trạng lạm thu, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc quy trách nhiệm của hiệu trưởng như thế nào khi để xảy ra lạm thu trong trường phụ thuộc vào tính chất, mức độ của sự việc.

Ông Nhưỡng cho rằng, cách xử lý của hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An ngay sau khi phát hiện ra sự việc yêu cầu lớp 12 Văn trả lại tiền cho những phụ huynh đã đóng quỹ như vậy là hợp lý, nhanh chóng và không để lại hậu quả. Tuy nhiên, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An phải rút kinh nghiệm sâu sắc khi để một lớp ở trong trường xảy ra lạm thu.

 Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trinh Phúc).

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trinh Phúc).

"Khi lớp 12 Văn Trường Trung học phổ thông Chu Văn An được xác định là làm chưa đúng các yêu cầu trong văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi của nhà trường ban hành trước đó, hiệu trưởng trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu trường học"

_Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng _

Cụ thể, ông Nhưỡng cho biết, hiệu trưởng có trách nhiệm phải chấn chỉnh lại, quán triệt những vấn đề nội bộ trong phạm vi của trường. Đồng thời, phải xử lý trách nhiệm của người trực tiếp dẫn đến xảy ra lạm thu (giáo viên chủ nhiệm phải kiểm điểm - PV) trước cơ quan, đơn vị.

Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho hay, có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến lạm thu đầu năm học dù chúng ta đã có Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ví như: Có thể quy định chưa thực sự rõ ràng; Hoặc những người thực hiện chưa hiểu và vận dụng đúng các quy định, ví như quy định ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: “Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện”, vậy như thế nào là “không theo nguyên tắc tự nguyện”? Nguyên nhân nữa là, sự không thống nhất các khoản thu giữa giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh;...

Để dẹp nạn lạm thu, theo ông Nhưỡng, tỉnh/thành phố phải tổ chức quán triệt các trường thực hiện quy định, thống nhất thu, chi ra sao để đảm bảo đúng tinh thần Thông tư của Bộ. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, thanh tra và giám sát công tác thực hiện thu, chi của các trường trong thời gian vừa qua để phát hiện và uốn nắn kịp thời. Bên cạnh đó, cũng cần phải thông báo rộng rãi đến phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh về thực hiện quy định thu, chi đầu năm.

Về phía các nhà trường, cần xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhằm cụ thể hóa Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu quy chế chi tiêu tốt, trường có thể niêm yết thực hiện trong nhiều năm, hoặc thay đổi theo từng năm tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Cùng nêu quan điểm về trách nhiệm của người đứng đầu - hiệu trưởng khi có lớp trong trường vi phạm thu, chi đầu năm và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: "Khi đã có Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lạm thu kiểu “phép vua thua lệ làng”".

Theo Giáo sư Dong, về mặt nguyên tắc, ngay từ đầu năm học, hiệu trưởng phải triển khai quán triệt rõ ràng, cẩn thận các khoản thu, chi và trách nhiệm của các cá nhân thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, một lớp trong trường tiến hành thu, chi đầu năm học như thế nào, nếu cố tình làm “chui” thì cũng khó để hiệu trưởng phát hiện kịp thời.

Do đó, trách nhiệm của hiệu trưởng lúc này là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục; đồng thời phải mạnh mẽ quy trách nhiệm của người trực tiếp tiến hành thu quỹ sai - là giáo viên chủ nhiệm khi chưa báo cáo hiệu trưởng về các khoản thu dự kiến.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương. (Ảnh: Thùy Linh).

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương. (Ảnh: Thùy Linh).

"Việc lạm thu tiền quỹ vào đầu năm học lâu nay đã trở thành “căn bệnh” khiến cho một số cơ sở giáo dục đào tạo mất uy tín. Trong một lớp học, số tiền 4,5 triệu đồng quỹ lớp/học sinh có thể đối với những gia đình khá giả không phải là vấn đề lớn. Nhưng với những gia đình có bố mẹ làm công chức, đóng 4,5 triệu đồng/kỳ tương đương với gần hết một tháng lương là một khó khăn”

_Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong_

Giáo sư Phạm Tất Dong đề xuất, để tránh được tình trạng lạm thu trong trường, hiệu trưởng, nhân viên, giáo viên cần phải có tính tự giác kỷ luật cao, chấp hành đúng quy định về thu, chi của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo.

"Chúng ta phải xác định rõ việc thu thêm tiền của phụ huynh học sinh khi nằm ngoài quy định của Bộ là không hợp pháp. Hơn nữa, hiệu trưởng không được “đẻ” ra các khoản thu mà phải bám đúng theo quy định của Thông tư 55, các văn bản chỉ đạo của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo để quán triệt tập thể nhà trường thực hiện, tránh tình trạng lạm thu, gây khó cho nhiều phụ huynh.

Đầu năm học, trường cũng nên có thông báo công khai các khoản được phép và không được phép thu của người học dựa theo quy định của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Nếu phát hiện cá nhân, lớp nào làm sai, nhà trường phải xử lý nghiêm để làm gương”, thầy Dong chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/th-hong-ha-mot-lop-chi-225-trieu-dong-sua-chua-phong-hoc-moi-hs-dong-10-trieu-post238218.gd

[2] https://kinhtedothi.vn/lam-thu-dau-nam-khong-the-chi-xu-ly-kieu-tra-lai-nhac-nho-kiem-diem.html

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lam-thu-trong-truong-hoc-can-quy-trach-nhiem-hieu-truong-va-giao-vien-chu-nhiem-post238367.gd