Làm thủ tục đi máy bay không tiếp xúc: Tiết kiệm nhiều thời gian cho hành khách

Ngày 23/8, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp với Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề 'One-ID' hướng tới tối ưu hóa các quy trình làm thủ tục tại sân bay, mang lại nhiều trải nghiệm cho hành khách.

Khả năng khai thác tại các sân bay ngày càng áp lực

Là người điều phối hội thảo, ông Vinoop Goel, Giám đốc phụ trách Sân bay và quan hệ đối ngoại của IATA khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhìn nhận, hạ tầng sân bay nhiều nước hiện đang quá tải, không thể xây dựng sân bay lớn hơn do gặp khó khăn về quỹ đất, nguồn lực đầu tư, kéo theo hành khách sẽ mất nhiều thời gian lên máy bay. Nhiều quy trình như check-in, xuất thẻ vé bay đã dựa trên công nghệ và tiêu chuẩn được xây dựng từ những thập kỷ trước. Vậy khách muốn đi lại nhanh hơn phải giải quyết vấn đề thời gian. IATA sáng tạo ra One-ID nhằm đơn giản mọi quy trình.

Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng bày tỏ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số vào dây chuyền phục vụ bay. Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành chương trình chuyển đổi số. Với ngành Hàng không trong mối liên kết quốc tế toàn cầu thì nhiệm vụ này cần sớm được triển khai mạnh mẽ nhằm củng cố an ninh, an toàn hàng không gắn với phát triển bền vững.

IATA dự báo quy mô tăng trưởng ngành Hàng không sẽ tăng gấp đôi vào năm 2041, do đó khả năng khai thác phục vụ khách tại các sân bay ngày càng trở nên áp lực, khó khăn. Công nghệ One-ID sử dụng nền tảng số thông minh dùng chung cho nhiều người, giúp các tổ chức, doanh nghiệp hàng không tinh gọn nguồn nhân lực, góp phần giảm giá thành vé bay rẻ và cạnh tranh, lợi nhuận doanh nghiệp hàng không tăng và quản lý nhà nước tốt hơn.

Hơn 43 quốc gia đã sử dụng One-ID nhằm đơn giản mọi quy trình thủ tục đi máy bay.

Hơn 43 quốc gia đã sử dụng One-ID nhằm đơn giản mọi quy trình thủ tục đi máy bay.

Bổ sung thêm, bà Shu Hui Bian, Giám đốc phụ trách trải nghiệm hành khách, bộ phận khai thác an toàn và an ninh của IATA khu vực châu Á-Thái Bình Dương đánh giá, One-ID là công nghệ số tạo ra chuyến đi không tiếp xúc, không giấy tờ dành cho khách hàng. Các giấy tờ kiểm tra từ xa, từ trước khi chuyến đi bắt đầu dựa trên phương pháp định danh số. Ngoài ra, phía sân bay và hãng bay năng suất tăng đáng kể nhờ tiết kiệm công sức kiểm tra giấy tờ, dữ liệu khách hàng gửi hãng bay cải thiện tính chính xác và hệ thống, tăng hiệu quả quy trình, không còn cảnh tắc nghẽn, gia tăng nguồn doanh thu ngoài ngành Hàng không khi khách có thời gian trải nghiệm chuyến đi.

Xem xét triển khai chi phí hợp lý

Ông Huỳnh Bảo Quốc, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Ban Công nghệ Môi trường (ACV) đưa ra kế hoạch triển khai hệ thống ACV ID cho các chuyến bay quốc nội, quốc tế tại các cảng hàng không sân bay tại Việt Nam.

Theo ông Quốc, ACV là đơn vị tiên phong thử nghiệm giải pháp xác thực sinh trắc học toàn trình cho hành khách (ACV ID) tại Sân bay Phú Bài, Điện Biên, cung cấp như là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với các thủ tục trước khi lên máy bay, cho phép sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình xác thực thông tin bằng công nghệ nhận dạng sinh trắc học, hình ảnh và khả năng thẩm định thông tin chuẩn xác.

ACV ID cho phép tự động hóa mọi thủ tục kiểm tra an ninh, đồng thời đối chiếu chính xác thông tin hành khách và giấy tờ tùy thân với thông tin tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. ACV dự kiến cuối năm nay hoặc năm sau dùng app ACV ID cho các cảng hàng không, giúp hành khách cập nhật thông tin chuyến bay, quản lý được vé, thông tin về sân bay, kênh liên lạc giữa các nhân viên trong sân bay, các hãng hàng không và đối tác.

Tương tự, ông Vương Phúc Nghĩa, Phó trưởng Ban Tiếp thị số Vietnam Airlines khẳng định, khách hàng hài lòng với dịch vụ một điểm chạm, nhanh chóng. One-ID nâng cấp cao hơn sinh trắc học ở tầm toàn cầu, đây là cuộc cách mạng trong quá trình đảm bảo tiện nghi, trải nghiệm khách hàng. Khách sẽ lựa chọn và bay hàng không nhiều hơn.

Tuy nhiên, đại diện phía Vietnam Airlines cũng bày tỏ: “Với hãng hàng không, nếu triển khai thì phần đầu tư trang thiết bị công nghệ kết nối với cảng sẽ có chi phí lớn. Việc chi phí này sẽ lại đưa tới khách hàng. Chúng tôi cũng phải suy nghĩ, đề nghị cơ quan chức năng xem xét chi phí triển khai hợp lý, làm sao để đáp ứng tốt hơn cho khách hàng mà không gia tăng phí”.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ ra khó khăn, thách thức trong việc triển khai One-ID. Đó là vấn đề đầu tư vào hệ thống phần mềm, phần cứng, chuyển đổi nâng cao nhận thức nhân lực, phải cân đối tính toán lợi nhuận chi phí hiệu quả kinh tế; an ninh mạng hàng không, an toàn thông tin, sử dụng nền tảng số với dữ liệu dùng chung phải đồng bộ hóa trang thiết bị. Các cơ quan doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cần có sự kết nối chia sẻ dữ liệu, ràng buộc về phạm vi khai thác bảo vệ thông tin. Ở một số nước thì việc chia sẻ dữ liệu là nhạy cảm, chưa được thống nhất dẫn đến chậm trễ triển khai so với mục tiêu đề ra.

“Chia sẻ dữ liệu nhưng làm sao bảo đảm bí mật dữ liệu cá nhân theo quy định. Để giải quyết vấn đề này, đề nghị Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền, nhà chức trách hàng không có điều chỉnh quy định phù hợp với các nước mà Việt Nam có đường bay đi và đến. Các hãng bay, cơ quan trong nước chia sẻ dữ liệu về danh tính số, sinh trắc học để phát huy được hiệu quả về dữ liệu này”, ông Đỗ Xuân Toản, Phó trưởng Ban An ninh An toàn ACV bày tỏ.

Huyền Nam

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/lam-thu-tuc-di-may-bay-khong-tiep-xuc-tiet-kiem-nhieu-thoi-gian-cho-hanh-khach-i741505/