Làm tốt công tác chống tham nhũng từ chính nội bộ Kiểm toán Nhà nước

Với tinh thần quyết tâm, khí thế trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, Kiểm toán Nhà nước khẳng định hành động đối với công tác này ở cấp độ cao nhất.

Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ngô Văn Tuấn. (Ảnh: Vietnam+)

Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ngô Văn Tuấn. (Ảnh: Vietnam+)

Xác định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, Kiểm toán Nhà nước đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực đồng thời chủ động kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tiêu cực từ chính nội bộ ngành.

Nội dung trên, được Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ngô Văn Tuấn trong trao đổi với phóng viên VietnamPlus.

Thực hiện 250 cuộc kiểm toán mỗi năm

- Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực, xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết hoạt động của ngành về công tác này trong thời gian qua?

Tổng Kiểm toán Nhà nước: Với trách nhiệm của mình, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định Đảng, pháp luật của Nhà nước về chống tham nhũng, tiêu cực, chủ động đôn đốc đối với cấp ủy, tổ chức Đảng được phân công phụ trách thực hiện công tác chống tham nhũng, tiêu cực, báo cáo kết quả thực hiện...

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng và ban hành Kế hoạch công tác hàng năm, trong đó phân công rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị thực hiện các nội dung nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công để chỉ đạo tổ chức thực hiện; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình các bộ, ngành, địa phương và tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác chống tham nhũng, tiêu cực trên các địa bàn được giao phụ trách.

Kiểm toán Nhà nước đã tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy định của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực như Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Luật chống tham nhũng, tiêu cực…. Trong công tác nội bộ, ngành tổ chức rà soát, thể chế hóa đầy đủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chống tham nhũng, tiêu cực vào các quy định của Kiểm toán Nhà nước về hoạt động kiểm toán.

 Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của Trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực vào các văn bản quy định cho hoạt động kiểm toán. (Ảnh: Vietnam+)

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của Trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực vào các văn bản quy định cho hoạt động kiểm toán. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, Tổng Kiểm toán Nhà nước còn tham gia thực hiện nhiệm vụ Trưởng Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện kiểm tra chuyên đề tại một số địa phương theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của Trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực vào các văn bản quy định cho hoạt động kiểm toán.

-Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết những kết quả nổi bật trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước?

Tổng Kiểm toán Nhà nước: Kiểm toán Nhà nước đã từng bước hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và khẳng định vai trò quan trọng trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị.

Trong bối cảnh tình hình mới, với tinh thần quyết tâm, khí thế trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, toàn dân ngày càng cao, ý thức, trách nhiệm và hành động của Kiểm toán Nhà nước đối với công tác này tiếp tục được khẳng định ở cấp độ cao nhất.

Lần đầu tiên, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-Kiểm toán Nhà nước ngày 16/5/2023.

Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện bình quân khoảng 250 cuộc kiểm toán, trong đó đã tiến hành đánh giá và xác nhận tính trung thực của hàng nghìn Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán của các đơn vị, dự án được chi tiết. Qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm đồng thời kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và chuyển hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định.

Thông qua các phát hiện kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước góp phần chỉ ra sai phạm trong từng khâu, từng thời điểm giúp đơn vị có sai sót chấn chỉnh kịp thời, tạo sự răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm nghiêm trọng hơn. Mỗi năm, Kiểm toán Nhà nước cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan chức năng để xem xét thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị theo chức năng và thẩm quyền.

Lần đầu tiên, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-Kiểm toán Nhà nước ngày 16/5/2023, trên cơ sở cụ thể hóa Điều 78 Luật chống tham nhũng, tiêu cực: “Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật.” Trong đó, các trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã áp dụng thực hiện đối với 2 cuộc kiểm toán (Hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Giao đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) theo chỉ đạo và đã có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực và cung cấp tài liệu cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị các cơ quan chức năng “bịt” lỗ hổng cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý, sử dụng nguồn lực công được hiệu quả, tiết kiệm. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của Kiểm toán Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế lành mạnh, minh bạch. Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý khác.

Cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo cho cơ quan liên quan

- Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là các cơ quan nội chính. Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết việc phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan chức năng có liên quan trong chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua như thế nào?

Tổng Kiểm toán Nhà nước: Qua hoạt động kiểm toán, trong 5 năm gần đây (năm 2019-2023), Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, trong khuôn khổ giới hạn kiểm toán theo luật định, khi phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán...

Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán Nhà nước đã ký quy chế phối hợp với Ban Nội Chính trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương. Các bên đang rà soát để bổ sung nội dung “phối hợp về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiêu cực” trong Quy chế phối hợp công tác với các đơn vị.

 Kiểm toán Nhà nước tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra thường xuyên, đột xuất, trong đó tập trung thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. (Ảnh: Vietnam+)

Kiểm toán Nhà nước tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra thường xuyên, đột xuất, trong đó tập trung thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. (Ảnh: Vietnam+)

Thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo ngày 16/8/2023, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện qua hoạt động kiểm toán.

- Xin ông chia sẻ câu chuyện chống tham nhũng, tiêu cực trong chính cơ quan có chức năng chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện như thế nào?

Tổng Kiểm toán Nhà nước: Trong suốt 30 năm qua, Kiểm toán Nhà nước luôn giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập-Liêm chính-Chuyên nghiệp-Uy tín-Chất lượng." Kiểm toán Nhà nước xác định trên hết và trước hết là phải làm tốt công tác chống tham nhũng, tiêu cực từ chính nội bộ Kiểm toán Nhà nước, không có “vùng cấm."

Kiểm toán Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật về chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư-Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác chống tham nhũng, tiêu cực.

Đến nay, Kiểm toán Nhà nước cơ bản thể chế hóa, đồng bộ quy định của Đảng, Nhà nước về chống tham nhũng, tiêu cực vào hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 1346/CT-Kiểm toán Nhà nước ngày 28/10/2022 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức đường dây nóng của để tiếp nhận thông tin về tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, của Kiểm toán viên Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, lòng tự trọng nghề nghiệp của Kiểm toán viên Nhà nước.

Thêm vào đó, Kiểm toán Nhà nước tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra thường xuyên, đột xuất, trong đó tập trung thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm tra, xác minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ. Chất lượng kiểm toán, giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán được kiểm soát. Bên cạnh đó, ngành luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán. Tổ chức đường dây nóng của Kiểm toán Nhà nước để tiếp nhận thông tin về tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, của Kiểm toán viên Nhà nước. Trong đó, ngành thực hiện việc luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với cán bộ, công chức, nhằm chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chủ trương của Đảng...

Thực tiễn, Kiểm toán Nhà nước luôn đề cao công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy định chống tham nhũng, tiêu cực đối với các đơn vị trực thuộc, các đoàn kiểm toán, đảm bảo không để xảy ra bất cứ hành vi tiêu cực nào trong thực thi công vụ.

Các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử , các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán, ngành kiên quyết xử lý nghiêm.

Trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-tot-cong-tac-chong-tham-nhung-tu-chinh-noi-bo-kiem-toan-nha-nuoc-post957222.vnp