Làm tốt công tác dân vận tại cơ quan, doanh nghiệp
Trong những năm qua, xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tập trung quán triệt, tuyên truyền và đề ra nhiều giải pháp thiết thực trong công tác dân vận, nêu cao tính gương mẫu của người đứng đầu với phương châm 'Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả', cũng như các chủ đề năm của tỉnh... Nhờ vậy, đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, khắc phục tình trạng quan liêu, mệnh lệnh hành chính, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị thân thiện, gần dân, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân; củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, các DN thuộc Đảng bộ Khối vẫn còn một số mặt chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa kịp thời; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức chưa sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ công tác dân vận, do vậy nội dung, phương thức công tác dân vận còn thiếu hấp dẫn và chậm đổi mới; chưa chú ý lắng nghe ý kiến của Nhân dân, tác phong làm việc còn xa rời quần chúng, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, DN…
Để làm tốt công tác dân vận, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, DN cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác dân vận. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai và cụ thể hóa Kết luận số 43- KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác dân vận trong cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 28/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về “tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Quyết định số 460-QĐ/TU, ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị”... sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ) ở các cơ quan, DN bằng các hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp trong thực thi công vụ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13/ CT-TTg, ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của các TTHC, từ đó xác định việc cắt giảm hoặc đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm tối đa các TTHC rườm rà, không cần thiết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình giải quyết TTHC. Triển khai mạnh mẽ việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ CBCCVC theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong thực thi công vụ luôn thể hiện thái độ, phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” trong đội ngũ CBCCVC. Kiên quyết xử lý nghiêm những CBCCVC quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân và DN.
Triển khai công tác dân vận gắn với thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; kịp thời củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở ở các cơ quan, DN. Thực hành dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan, DN. Tổ chức nghiêm túc hội nghị CBCC và hội nghị NLĐ hằng năm; lắng nghe và giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị chính đáng cũng như công khai, minh bạch các nội dung có liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của CBCCVC và NLĐ. Thực hiện có nền nếp việc đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động và đại diện NLĐ trong các DN.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phấn đấu mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng được ít nhất một mô hình “Dân vận khéo”; mỗi DN đều đạt DN an toàn về an ninh trật tự.
Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Cấp ủy các cơ quan, DN thường xuyên chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác dân vận, đặc biệt là việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Luôn tạo điều kiện để các đoàn thể tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định của Hiến pháp và Quyết định số 217- QĐ/TW, Quyết định số 218- QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Duy trì, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại với Nhân dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng liên quan trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của Nhân dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của Nhân dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện “nói đi đôi với làm”; xác định công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; lấy hiệu quả của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cán bộ đảng viên, công chức, viên chức.