Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở

ĐBP - Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Tổ hòa giải bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng) họp bàn công tác hòa giải tại địa phương.

Vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn tại phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) khi người chồng kiện người vợ cũ để đòi quyền lợi đối với ngôi nhà 3 tầng đã mua trước đó. Người chồng cho rằng tài sản mua trong thời kỳ hôn nhân phải là tài sản chung. Còn người vợ thì kiên quyết khẳng định dù mua trong thời kỳ hôn nhân nhưng được mua bằng tiền riêng, bằng chứng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên người vợ, do đó chị có quyền sở hữu và định đoạt tài sản này. Vụ án kéo dài từ năm 2012 đến nay, qua gần 10 phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm ở các cấp tòa đến nay vẫn chưa có hồi kết. Hiện nay, ngôi nhà trên đã được bán cho một người khác, nhưng vì đang có tranh chấp nên gia chủ mới dường như chưa có một ngày bình yên.

Trong cuộc sống, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm, nhận thức và lối sống của mỗi cá nhân nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình; các hộ gia đình trong cộng đồng dân cư là điều không tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để thì rất dễ dẫn tới “chuyện bé xé ra to”, kéo dài. Từ tranh chấp thuần túy dân sự có thể bùng phát nghiêm trọng thành vụ án hình sự, hoặc khiếu kiện kéo dài gây tổn hại về tinh thần, tiền bạc và thời gian không chỉ đối với các đương sự mà cả đối với Nhà nước.

Thực tế, những mâu thuẫn tại các gia đình, khu dân cư, nếu hòa giải viên phát hiện kịp thời và phân tích, giải thích để hai bên “hạ nhiệt”, bình tĩnh nhìn nhận sự việc một cách khách quan thì sẽ giảm những xung đột không đáng có, tình làng nghĩa xóm sẽ thuận hòa. Đặc biệt, đối với công tác hòa giải tại tòa án (các cuộc hòa giải được tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự), nếu hòa giải thành sẽ hạn chế các vụ việc khiếu kiện kéo dài, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; giảm áp lực, tổn hại về tinh thần, sức khỏe, thời gian, tiền bạc của các đương sự và Nhà nước.

Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng, các tổ chức chính trị xã hội đã có nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở về cả kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp trong tình hình mới. Như Dự án “Nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới (SUSO)” nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới, trong đó hoạt động hòa giải tại cơ sở được xem là quan trọng nhất. Dự án thực hiện tại 4 xã (Thanh Nưa, Hua Thanh, huyện Điện Biên và xã Mường Phăng, Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ) từ năm 2018 - 2021 đã góp phần nâng cao sự chủ động, hiệu quả trong công tác hòa giải tại cộng đồng dân cư.

Ông Đỗ Xuân Toán, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Xác định việc hòa giải từ cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng, thời gian qua, Sở luôn chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Sở Tư pháp đã phối hợp với Tòa án Nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tập huấn phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên toàn tỉnh; tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên cơ sở về bạo lực giới”. Đồng thời xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình tại cơ sở; tổ chức thực hiện thí điểm tại các xã: Thanh Nưa, Hua Thanh (huyện Điện Biên); Mường Mươn, Mường Tùng, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà); Chiềng Đông, Quài Tở, Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo). Qua đó truyền tải nội dung cơ bản của Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các hòa giải viên; trình tự, thủ tục yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở; kiến thức chung về hòa giải ở cơ sở và hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới; các phương pháp, kỹ năng cho các hòa giải viên.

Bài, ảnh: Anh Khôi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/200758/lam-tot-cong-tac-hoa-giai-o-co-so