Làm tốt dân vận là giải quyết phần gốc của mọi vấn đề
Với quan điểm nhất quán 'dân là gốc', 'sức mạnh của nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển', trong những năm qua, Tỉnh Bình Phước đã phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị, mọi cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận.
Điều này góp phần động viên nhân dân trên địa bàn tỉnh góp công, góp của, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh-tế xã hội. Trong đó, nổi bật là phong trào "Dân vận khéo" đã vận động nhân dân hiến đất trị giá hàng trăm tỷ đồng để làm đường tạo động lực phát triển của địa phương.
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước cho biết, qua thực hiện phong trào "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đột phá được triển khai, nhân rộng. Các gương điển hình tiêu biểu về phong trào thi đua "Dân vận khéo" có sức lan tỏa mang lại hiệu quả thiết thực làm tiền đề quan trọng cho công tác vận động nhân dân đồng thuận cao với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các dự án đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước đã triển khai quán triệt các kế hoạch, đề án, kết luận, trong đó tập trung "nâng cao năng lực hoạt động và khả năng tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới"; "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; công tác dân vận tham gia quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư… Minh chứng rõ nhất là khi tỉnh triển khai xây dựng nông thôn mới hoặc thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước có 169 danh mục dự án toàn tỉnh. Trước khi tổ chức thực hiện, chính quyền các cấp, chủ đầu tư cũng đã công khai với người dân về nội dung liên quan của dự án bằng nhiều hình thức sinh hoạt như: mời họp dân, trực tiếp phổ biến, công khai trên phương tiện thông tin của địa phương, cung cấp tài liệu liên quan, phát phiếu lấy ý kiến, niêm yết văn bản theo quy định.
Đối với lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy hoạch, qua đó giải đáp thỏa đáng kiến nghị, thắc mắc của nhân dân.
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang cho biết thêm: "Trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư, công tác dân vận được triển khai trong giai đoạn chuẩn bị quy hoạch, xây dựng chương trình dự án, triển khai dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; dân vận trong giai đoạn thực hiện; tổ chức đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải quyết khiếu nại, tố cáo, yêu cầu của nhân dân trong quá trình thực hiện dự án. Đến nay, nhiều dự án sau khi công bố, nhân dân tại các huyện, thị xã, thành phố tham gia tích cực và trở thành phong trào "Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến".
Tại thành phố Đồng Xoài, nhân dân đã hiến 45,2 ha đất, trị giá 542,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án, như: khu du lịch hồ Suối Cam; dự án nạo vét hồ Suối Cam (giai đoạn 2); đường Võ Văn Tần; đường Phan Bội Châu; đường Trường Chinh; đường Trần Hưng Đạo.
Phong trào "Dân vận khéo" tại huyện Đồng Phú được triển khai từ huyện đến địa phương, cơ sở với 376 mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực. Nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình xuất hiện, trở thành hạt nhân tiêu biểu trong cộng đồng với những mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Khi tỉnh Bình Phước triển khai dự án đường Phú Riềng Đỏ nối dài lên Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (thuộc địa phận huyện Đồng Phú), có ảnh hưởng 51 hộ dân thì 31 hộ tự nguyện hiến đất trị giá hơn 31 tỷ đồng để mở rộng đường.
Đáng chú ý, năm dự án đường kết nối từ đường ĐT741 vào Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Đồng Phú và Khu công nghiệp Nam Đồng Phú có chiều dài 25 km và phải giải phóng mặt bằng 106,18 ha. Trước khi triển khai dự án, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, cây trồng và người dân đồng ý hiến với tổng diện tích 74,86 ha. Nếu tính trung bình 3 tỷ đồng/ha thì nhân dân huyện Đồng Phú đã hiến cho các dự án này hơn 224 tỷ đồng, trong đó có những hộ hiến một đến hai héc-ta.
Theo bà Ngô Thị Thanh Chung, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đồng Phú, muốn dân vận thành công thì "dân vận chính quyền" phải đi trước một bước. Điều quan trọng là làm cho dân thấu suốt chủ trương và hiểu được lợi ích đạt được sau khi dự án hoàn thành. Người dân phải cùng được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát và thụ hưởng thì sẽ tin và từ đó tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho các công trình, dự án.