Làm tốt vai trò 'người gác cổng' trong xây dựng chính sách, pháp luật

Nhân kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2024), phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp về những kết quả ngành tư pháp tỉnh đạt được trong thời gian qua.

 Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp.

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Xin ông cho biết đôi nét về cơ quan tư pháp tỉnh và những kết quả nổi bật ngành đạt được trong thời gian qua?

Ông Lê Ngọc Quỳnh: Sở Tư pháp chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế của UBND tỉnh; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức thuộc Sở Tư pháp là 76 người, trong đó: Văn phòng 32 người; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và các chi nhánh trợ giúp pháp lý 31 người; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản 7 người; Phòng Công chứng số 1 có 6 người.

Trong thời gian qua, các lĩnh vực công tác của ngành tư pháp đều đảm bảo yêu cầu về chất lượng, hiệu quả. Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung thẩm định bám sát các quy định của pháp luật, công tác thẩm định bảo đảm tính độc lập, khách quan, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục. Công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện tốt, giải quyết nhiều vụ việc khó, phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục được tăng cường, kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

 Cán bộ Phòng Văn bản quy phạm pháp luật thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ Phòng Văn bản quy phạm pháp luật thực hiện nhiệm vụ.

8 tháng năm 2024, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến 112 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị; thẩm định 65 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tiếp nhận và tham gia ý kiến đối với 56 yêu cầu góp ý dự thảo văn bản đề nghị giải quyết các vướng mắc trong thi hành pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính của các đơn vị gửi đến; cấp 2.648 phiếu lý lịch tư pháp.

Cùng với đó, sở tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua; các văn bản quy phạm pháp luật khác của Trung ương và địa phương ban hành. Sau hội nghị cấp tỉnh, các thành viên của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật…

 Sở Tư pháp chủ động tham mưu, thực hiện đảm bảo hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Sở Tư pháp chủ động tham mưu, thực hiện đảm bảo hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Phóng viên:Ông đánh giá thế nào về những khó khăn, thách thức mà ngành phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới?

Ông Lê Ngọc Quỳnh: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Tư pháp và Tỉnh ủy Lào Cai, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, ngành tư pháp đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, ngành tư pháp cũng gặp một số khó khăn. Thứ nhất là về nguồn nhân lực. Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, số lượng biên chế giao cho Sở Tư pháp và các đơn vị sự nghiệp thuộc sở ngày càng ít, trong khi nhiệm vụ, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu ngày càng cao, nhất là các lĩnh vực như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, hộ tịch... Đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã còn thiếu, trình độ, năng lực có mặt còn hạn chế.

 Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục tại bộ phận một cửa.

Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục tại bộ phận một cửa.

Khó khăn thứ hai là trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia, một số phần mềm mới, số liệu phát sinh ít, dẫn đến việc cập nhật thông tin, khai thác, sử dụng hiệu quả chưa cao; việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhiều trường hợp người dân không có số điện thoại hoặc số điện thoại không chính chủ nên không tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện thủ tục hành chính. Cùng với đó, trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số phận công chức, viên chức còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và triển khai các phần mềm chuyên ngành, dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chậm...

Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian tới, ngành tư pháp cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào để làm tốt hơn nữa vai trò “người gác cổng” trong xây dựng chính sách, pháp luật?

Ông Lê Ngọc Quỳnh: Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này đặt ra cho ngành tư pháp nói chung và Sở Tư pháp Lào Cai nói riêng những yêu cầu mới.

 Cán bộ Văn phòng Sở Tư pháp trao đổi nghiệp vụ.

Cán bộ Văn phòng Sở Tư pháp trao đổi nghiệp vụ.

Để phát huy vai trò “người gác cổng” trong xây dựng chính sách, pháp luật, ngành tư pháp tỉnh xác định cần bám sát các chiến lược, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo quan trọng của Trung ương, Bộ Tư pháp và của tỉnh; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, cụ thể hóa vào điều kiện địa phương, đơn vị. Tăng cường tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Ngành sẽ tiếp tục tham mưu nhiều mô hình mới, cách làm hay, linh hoạt để đạt kết quả cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Trang(thực hiện)

Phạm Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lam-tot-vai-tro-nguoi-gac-cong-trong-xay-dung-chinh-sach-phap-luat-post389140.html