Vui, buồn chuyện tăng lương

Sau nhiều tháng mong chờ, từ đầu tháng 7/2024, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã chính thức được tăng thêm 30%; mức lương tối thiểu vùng tăng 6%. Việc tăng lương là tín hiệu rất đáng mừng, thế nhưng, nhiều người được hưởng lương lại vui, buồn xen lẫn bởi nỗi lo giá cả một số mặt hàng cũng có biến động tăng.

Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định liên quan đến tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp, có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Người lao động làm việc theo hợp đồng được áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới với mức tăng bình quân từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng/tháng. Riêng đối với tỉnh Hà Nam, từ 1/7/2024, lương tối thiểu theo tháng là 3.860.000 đồng (tăng 220.000 đồng), áp dụng đối với thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng (vùng III); lương tối thiểu theo tháng là 3.450.000 đồng (tăng 200.000 đồng), áp dụng đối với các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân (vùng IV). Bên cạnh đó, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng cũng được tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.

Quyết định tăng mức lương của Chính phủ đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của nhiều đối tượng, nhất là trong bối cảnh vật giá có xu hướng leo thang như hiện nay. Thực tế, nhiều người lao động đã phải mong chờ từng ngày đến thời điểm tăng lương, bởi mức thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động trong nhiều doanh nghiệp không cao so với mặt bằng chung. Với mức điều chỉnh lương lần này, người lao động hi vọng cải thiện được phần nào chất lượng cuộc sống so với trước.

Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu tại siêu thị GO! Hà Nam, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.

Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu tại siêu thị GO! Hà Nam, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.

Chia sẻ về niềm vui tăng lương, chị T.K.C (một viên chức ngành văn hóa, thể thao và du lịch, sống tại thành phố Phủ Lý) cho biết: Chồng tôi làm công việc tự do, thu nhập rất bấp bênh. Trước thời điểm tăng lương ngày 1/7, mức lương của tôi mới chỉ được khoảng 5 triệu đồng, giờ được tăng thêm 30%, lương của tôi là 6,5 triệu đồng. Ngoài công việc ở cơ quan, chúng tôi không có bất cứ khoản thu nhập làm thêm nào khác, vậy nên lương tăng thêm được một đồng cũng là đáng quý. Khi nghe được thông tin về việc tăng lương cơ sở cách đây vài tháng, ngày nào tôi cũng lên mạng tìm hiểu, cập nhật thông tin về việc tăng lương; mạnh dạn đăng ký cho con tham gia học một khóa học tiếng Anh online, điều mà trước đây tôi không có điều kiện để làm.

Cùng chung niềm vui tăng lương như chị T.T.M, một giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Phủ Lý chia sẻ: Việc tăng lương là niềm vui chung của nhiều công chức, viên chức, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non như chúng tôi. Vì lương của giáo viên mầm non không đủ để trang trải sinh hoạt gia đình nên đã nhiều đồng nghiệp, người thân của tôi phải bỏ nghề làm việc khác. Vì vậy, mức lương cơ sở lần này được tăng thêm khá nhiều đã khiến tôi rất vui mừng. Tăng lương lần này, thu nhập của tôi là 9 triệu đồng.

Tuy nhiên, đi liền với niềm vui tăng lương, đâu đó cũng còn đôi chút âu lo của một bộ phận người hưởng lương. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, mỗi lần có sự điều chỉnh về mức lương, dù ít, dù nhiều, giá cả các mặt hàng tiêu dùng cũng nhanh chóng tăng theo. Là người “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, chị B.T.H.H, (một công chức sống tại thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục) cho hay: Cả hai vợ chồng tôi đều là công chức, viên chức Nhà nước. Việc được tăng lương tới 30%, bên cạnh niềm vui, tôi còn canh cánh nỗi lo giá cả hàng hóa sẽ tăng khiến cho đời sống cũng không được cải thiện là bao. Giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đã rục rịch tăng ngay từ khi có thông tin tăng lương cơ sở rồi.

Với nhiều công chức, viên chức đã công tác lâu năm, mỗi thời điểm tăng lương phải đối mặt với nhiều bất cập. Tiền lương tăng trong khi thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa được thay đổi, đồng nghĩa với việc một số người khi được tăng lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Cho dù số tiền thuế phải đóng không quá nhiều nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng bởi, mức lương tăng chưa bù đắp được phần nào cho tiêu dùng hằng ngày thì lại phải đóng thuế cao hơn. Còn về phía công nhân lao động, mặc dù lương tối thiểu vùng tại Hà Nam đã tăng thêm 6%, tương đương mức tăng 200-220.000 đồng/tháng (tùy vùng) nhưng người lao động đang phải đối diện với nỗi lo việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho chi phí của doanh nghiệp tăng. Khi doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí cao sẽ tìm phương án để bù đắp, trong đó, có thể sẽ cắt giảm chế độ lương, thưởng và các khoản chi phí khác của người lao động. Chủ doanh nghiệp sử dụng lao động cũng không đứng ngoài các nỗi lo từ việc tăng lương tối thiểu vùng. Chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Seyang Corporation Việt Nam (Cụm công nghiệp Nhật Tân, Kim Bảng) cho biết: Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng lần này, Seyang Corporation Việt Nam có trên 400 lao động đã được tăng lương từ trên 4,1 triệu đồng lên trên 4,4 triệu đồng/tháng. Cũng như các doanh nghiệp may mặc khác, Seyang Corporation Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khó khăn về thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việc nâng lương tối thiểu sẽ làm đội thêm chi phí sản xuất, khi chi phí bị đẩy lên cao thì sản phẩm rất khó để có thể cạnh tranh được trên thị trường.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, qua kiểm tra cho thấy, đối với những doanh nghiệp trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định mới đều đã thực hiện điều chỉnh tăng lương cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu từ trước 1/7. Việc tăng lương tối thiểu lại tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, bởi hiện nay, doanh nghiệp phải đóng góp bảo đảm quyền lợi của người lao động, bao gồm các loại bảo hiểm, phí công đoàn và đều được tính dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu. Đồng thời, sẽ khiến cho chi phí của doanh nghiệp đội lên một khoản đáng kể.

Trước thực tế việc tăng lương thường kéo theo tăng giá các loại hàng hóa, để bảo đảm ý nghĩa của chính sách tăng lương, bình ổn thị trường, ngày 22/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Thời gian qua, giá bán một số mặt hàng hóa thiết yếu đã rục rịch tăng, tuy nhiên mức tăng chưa cao. Người lao động đang rất kỳ vọng, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường công tác quản lý để giá không tăng hoặc tăng hợp lý theo mức tăng lương.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/vui-buon-chuyen-tang-luong-135459.html