Làm trai yêu nước quên nhà!
'Làm trai yêu nước quên nhà/ Nước kia có vẹn thì nhà mới xong'- xin mượn hai câu thơ của thân mẫu giáo sư Nguyễn Văn Huyên để viết về hai nhân sĩ yêu nước đã cương quyết giã từ phồn hoa nơi đất khách, trở về Tổ quốc, nhiệt thành đi theo cách mạng, một lòng phụng sự dân tộc.
Bài liên quan
Đường đến với cách mạng của “chàng quý tộc phương Đông”
Nguyện vọng lớn nhất của “nhà bác học Việt Minh”
Luật sư Phan Anh: Sống là phụng sự quốc gia và dân tộc!
“Thay mặt cho nhà mà đền nợ nước”
“…đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài hai chục năm thở vắn than dài, cố sức của mình để thoát khỏi vòng áp chế… Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút lợi riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ?… Hai mươi năm lăn lộn sách đèn, một chục năm phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh bay…” - lá thư với những dòng chữ thủ thỉ yêu thương và cũng đầy ắp những suy tư trăn trở ấy là của người trí thức Nguyễn Văn Huyên, viết từ Fontainebleau, nước Pháp năm 1946 về cho người vợ yêu Vi Kim Ngọc nơi quê nhà.
Cũng trong ký ức của mình, chàng du học sinh Nguyễn Văn Huyên ngày ấy vẫn không lúc nào phai nhạt những câu thơ dặn dò của mẹ: “Con ơi nghe mẹ nhời này/Làm sao cho trả nghĩa đền/ Để yên việc nước kẻo phiền mẹ cha/Làm trai yêu nước quên nhà/Nước kia có vẹn thì nhà mới xong/”...
GS Nguyễn Văn Huyên (thứ 2 từ trái sang) cùng phái đoàn chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu.
Từ chính những ghi khắc đậm sâu ấy, người trí thức Tây học Nguyễn Văn Huyên đã quyết định lựa chọn cho mình một con đường: dấn thân cho cách mạng. Chính bởi sự lựa chọn ấy, dù là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp hai bằng cử nhân và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa bộ môn sử - địa tại Đại học Tổng hợp Sorbone, trước mắt là tương lai hấp dẫn tại nước Pháp, Nguyễn Văn Huyên vẫn quyết định trở về nước.
Trở về nước, ông tiếp tục khước từ lời mời làm quan và những hứa hẹn của chính quyền thực dân, nguyện lấy nghiệp giáo giúp người bằng việc tham gia giảng dạy tại trường Trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi - Chu Văn An). Đồng nghiệp của Nguyễn Văn Huyên tại ngôi trường này là cũng là những gương mặt trí thức Tây học trở về như: Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum… Những người thầy trí thức ấy đã không chỉ truyền đạt cho học trò kiến thức mà cả niềm đam mê khoa học, niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước.
Những ngày Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Huyên cùng những người bạn Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường, ngày 22/8, “tự động" gửi bức điện coi như phản ánh nguyện vọng của đại bộ phận trí thức Trung, Nam, Bắc. Chúng tôi được ghi nhận là “Nhóm bốn người đánh điện” (les quatre télégraphistes), cử chỉ của chúng tôi chỉ là góp thêm một tác động nhỏ về chính trị tinh thần vào một cao trào đã lớn mạnh ở một tình thế đã chín muồi. Bức điện rất ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy đủ thông điệp: “Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập, Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà” - Nguyễn Văn Huyên sau này nhớ lại.
“Không phải đến lúc đó tôi mới nghe mấy tiếng “Độc lập, Tự do”, nhưng cũng chỉ từ phút đó tôi mới càng thấm thía ý nghĩa sâu sắc của hai từ đó” - nhân sĩ Nguyễn Văn Huyên nói về cảm xúc của mình khi đứng tại quảng trường Ba Đình lịch sử nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Sự thấm thía ấy đã giúp người trí thức yêu nước ấy đi trọn hành trình cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người “quan tâm liên tục, cụ thể và hết sức đặc biệt” dẫn dắt, chỉ bước cho ông.
“Đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp”
Cùng thế hệ, cùng là những trí thức Tây học yêu nước, thao thức với thời cuộc, sẵn sàng từ bỏ Paris hoa lệ để trở về cống hiến cho Tổ quốc, cùng đi theo tiếng gọi của Bác Hồ đi theo kháng chiến cứu quốc, cùng tâm thế không màng danh lợi, cả một đời chỉ nguyện dấn thân vì cái ta chung… Nguyễn Văn Huyên có một người bạn, người đồng nghiệp cùng có với nhau rất nhiều điểm chung như thế. Đó là một con người mang trên mình cái tên rất đặc biệt: Ngụy Như Kon Tum.
Sau khi tỉnh Kon Tum được thành lập 3 tháng, ngày 3/5/1913, có một cậu bé cất tiếng khóc chào đời và được gia đình đặt tên để ghi lại dấu ấn lịch sử của sự kiện tỉnh Kon Tum được thành lập (9/2/1913) - người con ấy chính là Ngụy Như Kon Tum. Có lẽ vinh dự ấy, vùng đất Kon Tum đầy nắng, gió và nổi tiếng với những phong trào yêu nước đã thấm đậm vào chàng trai nói tiếng Ba Na.
Giáo sư Ngụy Như Kon Tum.
Hiểu rằng chỉ có thể bằng con đường học vấn, mới có thể “giúp được điều gì đó cho đất nước”, ngay từ nhỏ, cậu học trò Ngụy Như Kon Tum đã học rất giỏi. Bởi vậy, cậu được ra học tiểu học ở Huế, học trung học ở trường Trung học bảo hộ - trường Bưởi (Hà Nội) rồi được cấp học bổng toàn phần sang Pháp học đại học. Tại Pháp, cũng với sự thông minh, chuyên cần ấy, cậu sinh viên Ngụy Như Kon Tum đã trở thành Thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam trên đất Pháp.
Khi Ngụy Như Kon Tum đang được nhà bác học Vật lý hạt nhân người Pháp nổi tiếng F.Joliot hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ Vật lý thì chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. “Tôi nghĩ rằng đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp” - lời khuyên ấy của Giáo sư F.Joliot Cuire ngày ấy về sau này Ngụy Như Kon Tum ghi nhớ mãi. Ông đã nghe theo lời khuyên ấy, cũng là lắng nghe từ sự thôi thúc tự đáy con tim mình, chấp nhận từ bỏ việc xin nhập quốc tịch Pháp, từ bỏ triển vọng có thể được Bộ Quốc phòng Pháp tuyển dụng, để trở về nước vào cuối năm 1939, tham gia giảng dạy tại Trường Trung học Chasseloup (Sài Gòn) rồi Trường Bưởi (Hà Nội).
Cho tới những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình, vị trí thức tài đức vẹn toàn người Ba Na ấy chưa bao giờ thấy hối hận về quyết định thời trai trẻ của mình. Những ngày tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám 1945, GS Ngụy Như Kon Tum lúc này là Giám đốc Khu học xá Đông Dương đã cùng GS Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường tham dự mít tinh, lên diễn đàn phát biểu ý kiến đồng thanh ủng hộ Việt Minh. Ngày 23/8/1945, GS Ngụy Như Kon Tum cùng các GS Trường Bưởi đã ký một bức điện đòi Bảo Đại thoái vị, giao quyền cho Việt Minh thành lập Chính phủ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đã tình nguyện khoác ba lô rời Hà Nội lặn lội lên núi rừng Việt Bắc tham gia cách mạng, cùng toàn dân chống Pháp. Năm 1956, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, Bộ Giáo dục đệ trình lên Chủ tịch nước danh sách đề nghị những người đảm trách chức Hiệu trưởng, nhưng không có tên GS Kon Tum, xem danh sách, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm GS Ngụy Như Kon Tum giữ chức Hiệu trưởng nhà trường. Bác Hồ còn nói cụ thể: GS Ngụy Như Kon Tum chưa là đảng viên nên càng nên giữ chức Hiệu trưởng.
Trước đó, năm 1946, Bác Hồ từng cho mời GS lên ngỏ ý giao cho ông giữ chức Bộ trưởng Giáo dục nhưng ông đã từ chối nhận nhiệm vụ đó với lý do: “Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ”.
Sự quan tâm, trọng thị và không định kiến ấy của người đứng đầu đất nước, người trí thức người Ba Na thấu hiểu hết và càng nguyện dốc toàn tâm, toàn lực cho đất nước. 26 năm làm Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu (1956-1982), Giáo sư Ngụy Như Kon Tum bên cạnh vai trò của một nhà quản lý có tầm, có tâm, còn là một nhà Vật lý tài ba, người góp phần xây dựng thành công ngành Vật lý địa cầu ở nước ta.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lam-trai-yeu-nuoc-quen-nha-post93074.html