'Lâm trường 10'

Nói đến 'Lâm trường 10' thì hầu như chỉ những người lính Đoàn 332 hoặc Liên hiệp Kon Hà Nừng mới tỏ tường. Đoàn 332-Liên hiệp Kon Hà Nừng có 9 lâm trường. Những người hy sinh do tai nạn lao động, bệnh tật được quy tập thành một nghĩa trang. Nghĩa trang có đủ giám đốc, phó giám đốc, kế toán, quản lý… như bộ khung 1 lâm trường hoàn chỉnh. Cái tên 'Lâm trường 10' là như thế, ngỡ gọi đùa mà gieo vào lòng người cùng thời bao nỗi ưu tư.

Tôi đến viếng những người nằm lại “Lâm trường 10” một ngày giữa mùa mưa năm 1999. Trời đầy mây khiến quang cảnh càng thêm ảm đạm. Người hướng dẫn tôi hôm đó là ông Trương Văn Nhuần-nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 332.

Thực ra, “Lâm trường 10” bây giờ không chỉ có người lính Đoàn 332 hay Liên hiệp Kon Hà Nừng mà đã trở thành nghĩa trang của “thập loại chúng sinh”. Chúng tôi nhận ra các anh chị nhờ những tấm bia bằng gỗ có khắc dòng chữ “Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Ông Nhuần cho biết, số mộ được thân nhân cất bốc về quê cũng khá nhiều. Số anh chị em còn nằm lại chắc là do gia đình chưa có điều kiện mà cũng có thể họ không còn ai thân thích. Hồi Liên hiệp Kon Hà Nừng còn tồn tại, Tết đến, bạn bè, đồng nghiệp còn ra tảo mộ, thắp hương. Bây giờ, Liên hiệp giải thể, mỗi người một phương chẳng còn ai trông ngó.

Câu chuyện trở về với những năm đầu giải phóng. Ngày 2-12-1976, đất nước mới ngưng tiếng súng chưa lâu, những người lính Trung đoàn 576, 36, 240… đã phải nhận lệnh hành quân về Ka Nak để thành lập Đoàn 332 làm nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Bấy giờ, cái tên huyện Kbang chưa có trên bản đồ. Chỉ không còn tiếng đạn bom, còn thì vẫn như y nguyên mọi sự gian khổ trong chiến tranh. Hơn 3.000 người phải tự mở lấy đường mà đi, làm lấy nhà để ở, sản xuất lương thực để ăn. Cọp dữ vờn quanh lán, heo rừng về ở lẫn với heo nhà; đêm đến chỉ có ánh lửa và ngọn đèn dầu leo lét. Rừng thiêng nước độc, sốt rét hoành hành. Từ cán bộ đến chiến sĩ gần như không ai thoát. Thượng úy Thảo là người đầu tiên mất vì căn bệnh quái ác này.

Thực ra, sốt rét chỉ là một trong muôn sự hiểm họa đổ xuống người lính. Thượng úy Phạm Ngọc Tường-Đội trưởng Đội Khảo sát trong một lần đi điều tra rừng bị vướng bẫy thò của đồng bào. Vết thương chỉ vào phần mềm ở đùi thế nhưng bởi đường xa, phương tiện không có đành chịu chết trên vai đồng đội vì mất máu…

Anh Bảng-cán bộ quản lý Trung đoàn bộ 713 một chiều ngồi uống nước với anh em dưới gốc cây, bất thần bị một cành khô rơi trúng đầu không kịp cấp cứu… Anh Bàn-Giám đốc Lâm trường 7 đã về quê mà căn bệnh sốt rét vẫn còn bám theo quật ngã. Cũng tại lâm trường này, anh Thọ trên chuyến xe đi khảo sát công trường đã bị cây nứa chìa ra bên đường đâm suốt qua người.

Còn một câu chuyện mà bây giờ nhắc tới, người cũ ai cũng còn thấy ngậm ngùi: Anh Châu Phúc Thành ở Công ty Lâm nghiệp Kroong lấy vợ đã 3 năm vẫn chưa có con. Thấy chồng cứ biền biệt xứ rừng, chị Vũ Thị Tý đã lặn lội từ Thái Bình vào thăm. Buồn thay, niềm mong mỏi có được đứa con chưa tới thì chị bị sốt rét ác tính. Đi thăm chồng, ai ngờ chị lại đến đất này để vĩnh biệt chồng, vĩnh biệt người thân…

Nhà lưu niệm Đoàn 332 tại thị trấn Kbang, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Tấn

Nhà lưu niệm Đoàn 332 tại thị trấn Kbang, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Tấn

Những người lính từng qua trận mạc bom đạn phải kiềng, những kỹ sư trẻ đang nuôi khát vọng cống hiến, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi chưa kịp một lần yêu… Cái chết nghiệt ngã, bất thần đến chẳng từ ai. Để có hàng trăm cây số đường, hàng chục trường học, bệnh xá và những cánh rừng được tu bổ, quy hoạch cho huyện Kbang bây giờ, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ và công nhân đã nằm lại “Lâm trường 10”. Một cái giá không hề nhỏ...

Tôi nhớ những miền đất mình đã từng qua: Từ Đức Cơ ngược lên Plei Cần, xuống Đak Hà, Ia Sao, Chư Prông…, ở đâu cũng có nấm mồ của những người lính nằm lại vì bệnh tật, bom mìn để hồi sinh cuộc sống cho vùng đất Gia Lai-Kon Tum. Qua bao khó khăn tưởng không thể vượt qua thời đất nước mới ra khỏi chiến tranh, sự dịch chuyển đầy trắc trở của cơ chế bao cấp, người lính với bàn tay quả cảm đã biến bao vùng đất nhuần trong đạn bom, chất độc hóa học hồi sinh, tạo tiền đề cho những huyện lỵ, những khu dân cư đông đúc bây giờ.

Cách đây không lâu, tôi có dịp trở lại Kbang. Bây giờ thì không thể tìm đâu dấu tích của “Lâm trường 10”. Có thể các anh đã được người thân cất bốc về quê, cũng có thể đã hóa thân trong lòng đất. Dẫu sao thì nhờ công sức của đồng đội cũ, các anh cũng đã có nhà lưu niệm để tưởng nhớ, để thờ. Cuộc sống đã sang trang. Và tôi tin chắc những giá trị của chính nó đã khiến người ta ngẫm ra rằng, cuộc sống trên đất này đâu phải tự nhiên bén rễ.

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202010/lam-truong-10-5706094/