Lâm trường 156 - phên dậu vững chắc nơi biên cương Tổ quốc

Những năm qua, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156, đã góp phần xây dựng vùng biên giới của tỉnh Quảng Ninh ngày càng vững mạnh...

Lâm trường 156 thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 327, Quân khu 3 đứng chân và làm nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng trên địa bàn hai xã: Hoành Mô và Vô Ngại (thuộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh với chiều dài 38,2 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Địa hình chủ yếu là rừng núi cao hiểm trở; sông, suối chia cắt, đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; dọc tuyến biên giới trước kia còn nhiều chỗ “trắng dân”, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2001 về trước tỷ lệ hộ đói nghèo tới hơn 40%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, như tình trạng xâm canh, xâm cư, xâm táng; vượt biên trái pháp luật, buôn lậu qua biên giới vẫn thường xuyên xảy ra; buôn bán người và vận chuyển, sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 đã có nhiều hoạt động để giúp nơi đây "thay da đổi thịt", trở thành phên dậu vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phạm Xuân Kha, Chính trị viên Lâm trường 156, cho biết: “Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện đã tích cực hưởng ứng và tham gia các đợt tình nguyện, phong trào thi đua như: “Mùa Xuân ra quân giúp dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp”, “Mùa Hè ra quân giúp dân xóa đói giảm nghèo”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, ‘Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với hành quân dã ngoại làm công tác dân vận. Bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện đơn vị tích cực tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn đóng quân. Hơn 20 năm qua, lâm trường đã phối hợp với địa phương di giãn dân được 240 hộ/960 nhân khẩu; thành lập mới 4 cụm dân cư dọc tuyến vành đai biên giới; giúp địa phương xóa nhà tạm và cải tạo nơi ăn ở cho hơn 300 hộ gia đình”...

Bộ đội Lâm trường 156 giúp nhân dân bản Trình Tường, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh xóa nhà tạm. (Ảnh: Thanh Sang)

Bộ đội Lâm trường 156 giúp nhân dân bản Trình Tường, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh xóa nhà tạm. (Ảnh: Thanh Sang)

Mục sở thị những thay đổi nơi đây, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Thiên Hưởng, ở thôn Nà Sa, xã Hoành Mô. Qua trò chuyện được biết, hơn 15 năm trước, gia đình anh Hưởng thuộc hộ nghèo, đời sống khó khăn, thiếu thốn. Nhờ Lâm trường 156 hướng dẫn cách làm ăn và hỗ trợ cây giống, con giống nên gia đình anh đã thoát nghèo. Hay gia đình anh Hoàng Văn Hải, ở bản Đồng Cậm, xã Hoành Mô được Lâm trường hỗ trợ giống, vốn và hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ, nuôi gia cầm, vì vậy đã thoát nghèo, đời sống ngày càng khấm khá.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hải bộc bạch: “Nhờ bộ đội Lâm trường 156 cấp cây giống, con giống và hướng dẫn cách làm ăn nên thu nhập của gia đình tôi đã ổn định, có tiền xây nhà mới. Gia đình tôi cảm ơn bộ đội lâm trường nhiều lắm!”.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều hộ dân trên địa bàn được Lâm trường 156 hỗ trợ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Với phương châm: “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để dân làm theo”, bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện lâm trường đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hằng năm, lâm trường phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt và từng bước chuyển giao kỹ thuật cho địa phương. Lâm trường cũng chỉ đạo các đội sản xuất thường xuyên cấp miễn phí cây giống, con giống cho nhân dân trong vùng dự án.

Bên cạnh đó, bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện đơn vị đơn vị tích cực hướng dẫn nhân dân cách ăn, ở hợp vệ sinh, chủ động phòng chống dịch bệnh; phối hợp vận động hàng trăm hộ dân di chuyển chuồng nuôi gia súc, gia cầm ra xa nơi ở. Bệnh xá quân dân y lâm trường mỗi năm khám, điều trị cho hàng nghìn lượt người, trong đó chủ yếu là người dân địa phương. Lâm trường mở và duy trì 1 lớp học văn hóa, 1 lớp xóa mù chữ cho nhân dân bản Trình Tường, xã Hoành Mô. Thực hiện Chương trình: “Nâng bước em đến trường”, từ năm 2010 đến nay, lâm trường thường xuyên nhận đỡ đầu 3 trẻ em mồ côi trên địa bàn, bằng cách hỗ trợ kinh phí, lương thực, đồ dùng học tập để có điều kiện đến trường; vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Những việc làm thiết thực của bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện đơn vị Lâm trường 156 đã củng cố thêm lòng tin của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới huyện Bình Liêu với Đảng, Nhà nước, quân đội. Các vùng “trắng dân” trên tuyến biên giới xưa kia nay đã hình thành các cụm dân cư mới, tạo phên dậu vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

Thanh Sang - Đăng Khoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-truong-156-phen-dau-vung-chac-noi-bien-cuong-to-quoc-365483.html