Làm từ thiện không phải để 'phông bạt'

Mỗi người có một cách để chia sẻ đồng bào trong nguy nan, nhưng mục đích cuối cùng của hoạt động cứu trợ vẫn là tạo điều kiện để đồng bào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Hai đứa trẻ miền núi Tây Bắc sau bão Yagi, qua nét vẽ của Lê Sa Long.

Hai đứa trẻ miền núi Tây Bắc sau bão Yagi, qua nét vẽ của Lê Sa Long.

Nước ta nằm dọc bên bờ biển, nên hầu như năm nào cũng hứng chịu vài cơn bão. Tuy nhiên, cơn bão số 3 Yagi lại có sức tàn phá thật khủng khiếp. Bão tan, lũ lụt lại gây thiệt hại cho các tỉnh khu vực miền núi, từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn đến Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng.

Thiệt hại và tang thương vẫn chưa thống kê hết được. Thiên tai rất khôn lường, bởi quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu càng khiến diễn biến bão lụt thêm khó dự đoán. Thế nhưng, người Việt xưa nay vẫn có truyền thống tương thân tương ái, cả nước lại hướng về miền Bắc với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Hoạt động cứu trợ năm nay không thấy những gương mặt nổi bật như ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được 178 tỷ đồng vào năm 2020. Năm nay, hầu hết những tấm lòng thơm thảo đều gửi đến Ban vận động cứu trợ Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Rất nhiều cá nhân đã chụp hóa đơn điện tử như tờ sao kê chuyển khoản để chứng minh đã quyên góp số tiền khá lớn.

Tuy nhiên, đằng sau việc cứu trợ qua “sao kê” đã phát hiện một số kẻ háo danh đã tự chỉnh sửa để lấy oai. Ủng hộ có 100.000 đồng, nhưng lại thêm vào mấy số 0 nữa thành 100 triệu đồng.

Đây là một kiểu “phông bạt” rất buồn cười. Tranh thủ thiên tai để đánh bóng bản thân, thực sự đáng chê trách. Cũng may, những thái độ kém ý thức không nhiều. Chỉ sau 10 ngày kêu gọi, Ban vận động cứu trợ Trung ương đã nhận được hơn 1.000 tỷ đồng để phân bổ cho Mặt trận Tổ quốc các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3.

Mỗi người có một cách để chia sẻ đồng bào trong nguy nan, nhưng mục đích cuối cùng của hoạt động cứu trợ vẫn là tạo điều kiện để đồng bào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Phương châm cốt lõi không ai phải đói ăn thiếu mặc, không ai phải lỡ làng tuyệt vọng. Nhiều tổ chức và cá nhân đã vận động quyên góp rất kịp thời, cả hiện kim lẫn hiện vật. Vấn đề quan trọng là khả năng điều phối hợp lý, nhằm tránh tình trạng “nước chảy chỗ trũng”.

Hoạt động cứu trợ luôn chia hai giai đoạn. Giai đoạn đầu ưu tiên nhu yếu phẩm. Giai đoạn sau cần đến nguồn tài chính. Giai đoạn đầu đã chứng kiến sức mua các mặt hàng thực phẩm, chăn màn, thuốc men đều tăng vọt ở các siêu thị và chợ đầu mối. Những chuyến xe hối hả của các đoàn thiện nguyện từ miền Trung và miền Nam nối nhau ra miền Bắc, thực sự là những hình ảnh cao đẹp và xúc động.

Nếu giai đoạn sau vẫn tiếp tục như giai đoạn đầu, thì nhiều gia đình vừa thoát khỏi bão lũ sẽ chất đầy mì tôm và quần áo, mà họ không thể nào sử dụng hết. Hiện tại, các tuyến đường đến vùng ảnh hưởng bão lũ đã được thông suốt. Không phải nhọc nhằn chuyển đổi hiện kim thành hiện vật nữa. Và giai đoạn 2 được hỗ trợ tài chính trực tiếp căn cứ theo mức độ thiệt hại do thiên tai, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu trước mắt của mỗi hộ dân.

Nhưng, vừa xong những ngày lũ lụt không kịp trở tay, thì sách vở cho học sinh nên được chú ý. Câu hỏi đặt ra: Tại sao sách vở cứu trợ vẫn phải mua theo giá thị trường? Những công ty sản xuất tập vở và những đơn vị in sách giáo khoa không thể xem thời điểm này như cơ hội kinh doanh. Sách vở cần được cung cấp theo giá vốn cho các tỉnh miền Bắc mới gọi là hỗ trợ.

Ngoài địa chỉ tiếp nhận của Ban vận động cứu trợ Trung ương, hàng loạt chương trình thiện nguyện khác đã được triển khai. Nếu giới ca sĩ tổ chức để quyên góp cứu trợ, thì giới họa sĩ cũng đấu giá tranh để quyên góp cứu trợ. Không ai đo lường sự hảo tâm bằng đồng tiền, nhưng sự chung lòng chung sức của cả nước đang xoa dịu nỗi đau mất mát của người dân các tỉnh miền Bắc.

Người dân nhường cơm sẻ áo cho nhau như câu nói “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người chung một nước thì thương nhau cùng”. Bởi lẽ sau bão Yagi đối với đồng bào khu vực nông thôn miền Bắc, lại là câu chuyện được quan tâm đặc biệt của mọi người Việt Nam, khi mỗi địa phương bắt đầu thu dọn những vung vãi đổ nát do thiên tai gây ra.

Một siêu bão đổ bộ nhiều tỉnh thành miền Bắc để lại hậu quả nặng nề cho mùa màng, cho ruộng vườn, cho hoa màu. Ở đô thị, công việc làm ăn có ảnh hưởng ít nhiều nhưng vẫn có thể khắc phục nhanh chóng. Còn ở nông thôn, bão qua bao giờ cũng kéo theo ngập lụt, mọi thành quả đang canh tác đều thiệt hại phần lớn. Sự thật, nhiều hộ nông dân rơi vào hoàn cảnh trắng tay.

Sinh kế sau bão Yagi không thể chỉ trông chờ vào những tấm lòng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Và nông dân luôn có tự trọng, họ không muốn ngồi yên trong sự hoang tàn để chờ đợi sự ban phát, dẫu chân thành và ấm áp dường nào. Cái quan trọng nhất mà nông dân mong mỏi là điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất.

Bài toán sinh kế sau bão Yagi là mỗi hộ nông dân có thể đứng dậy trên chính đất đai của họ, tiếp tục được gieo cấy, tiếp tục được trồng trọt, tiếp tục được chăn nuôi. Sự giúp đỡ “một miếng khi đói bằng một gói khi no” chỉ có tác dụng trước mắt, còn lâu dài làm sao để nông dân có lại “cần câu” chứ không phải được cho “con cá”.

Khi chính quyền cơ sở đã có thống kê tương đối đầy đủ về hậu quả bão Yagi, nên cấp tốc triển khai giải pháp hỗ trợ những hộ nông dân sản xuất nhỏ, vì đó là những đối tượng không có nhiều vốn liếng và cũng ít mối quan hệ.

Thiên tai được xác định là trường hợp bất khả kháng, thì ngân hàng chủ động khoanh nợ đối với khoản vay cũ để cho nông dân cơ hội tiếp cận khoản vay mới. Trong đó, ưu tiên nguồn lực tài chính trung hạn cho những người nuôi trồng thủy hải sản ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa...

Đồng thời, các hiệp hội hoặc hợp tác xã phải đứng ra làm trung gian thương lượng để giải quyết những hợp đồng cung cấp nông sản mà nông dân đã ký kết với doanh nghiệp. Mặt khác, bây giờ không còn xa dịp Tết Nguyên đán, là thời điểm tiêu thụ nông sản nhộn nhịp nhất trong năm, các cơ quan chuyên môn cần có hướng dẫn phù hợp về chọn giống, về kỹ thuật để nông dân đồng bằng sông Hồng lẫn nông dân đồi núi Tây Bắc có những thu hoạch kịp đáp ứng được thị trường.

Áp lực tâm lý đang đè nặng lên những người nông dân miền Bắc sau cơn bão Yagi, dẫu bản thân mỗi người luôn xác định “chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Ngoài tinh thần và hành động chung tay dắt dìu nhau qua hoạn nạn của đồng bào cả nước, tình thương và trách nhiệm cụ thể dành cho nông dân miền Bắc là một chính sách căn cơ và đồng bộ, có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan.

TÂM HUYỀN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/lam-tu-thien-khong-phai-de-phong-bat-post117169.html