'Làm tư tưởng' phải thiết thực, có tâm

'Trước mỗi trận đánh, ngoài phát động thi đua, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội, chúng tôi còn lựa chọn, phổ biến những thông tin thiết thực đăng trên Báo Quân đội nhân dân, như: Tin cải cách ruộng đất ở hậu phương, tin dân công tích cực tiếp tế lương thực, đạn dược; những bài viết biểu dương tinh thần vượt khó của các đơn vị trong đào hầm hào, xây dựng công sự trận địa… để đọc cho bộ đội nghe.

Chính những tin tức tích cực đó đã tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Ai cũng phấn khởi vì ở nhà được chia ruộng đất, vì lương thực, đạn dược không lo thiếu… nên hăng hái tinh thần, khí thế chiến đấu hừng hực”, Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, nguyên Đại đội trưởng Đại đội mũi nhọn thuộc Trung đoàn 88 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hào hứng kể như vậy về kinh nghiệm làm công tác tư tưởng trong chiến đấu.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, dù là cán bộ quân sự, nhưng Trung tướng Lê Nam Phong luôn tâm niệm, công tác tư tưởng là trách nhiệm của cán bộ các cấp. Bởi vậy, khi còn làm cán bộ cấp cơ sở, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi bước vào chiến dịch, ông cùng ban chỉ huy đại đội phân công nhau đến từng hầm của các tiểu đội để động viên bộ đội, xây dựng ý thức trách nhiệm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho đơn vị. Ngoài việc lựa chọn, thông báo những thông tin bổ ích, ông xác định tiến hành công tác tư tưởng bằng hành động, việc làm thiết thực; lấy những tấm gương chiến đấu tiêu biểu để khích lệ tinh thần anh em.

 Trung tướng Lê Nam Phong (thứ ba, từ phải sang) cùng đồng đội và tuổi trẻ Đồng Nai trong chuyến hành quân về nguồn.

Trung tướng Lê Nam Phong (thứ ba, từ phải sang) cùng đồng đội và tuổi trẻ Đồng Nai trong chuyến hành quân về nguồn.

Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại: “Tôi nhớ mãi trường hợp của đồng chí Nguyễn Quốc Ân, là chiến sĩ thuộc đại đội tôi. Trong trận đánh cắt sân bay Mường Thanh, đồng chí Ân bị thương, cụt một chân. Sau khi băng bó vết thương, cậu ta nhất định không chịu về tuyến sau, cứ nằng nặc xin ở lại trận địa tiếp tục chiến đấu. Sau này, hỏi ra mới biết, trước đó tôi vừa thông báo những tấm gương anh dũng hy sinh từ đầu chiến dịch như: Trần Can, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn...; có tác dụng cổ vũ tinh thần chiến đấu rất cao, quyết không rời trận địa của bộ đội ta. Bởi vậy, đồng chí Ân kiên quyết bám trụ, dựa vào công sự để chiến đấu tiêu diệt quân thù”.

Sau này, khi làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trung tướng Lê Nam Phong vẫn thường xuyên làm công tác tư tưởng cho giáo viên, học viên nhà trường. Cuối thập niên 1980, đời sống của cán bộ, giáo viên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; nhiều đồng chí phải thuê nhà ở trọ, vợ không có việc làm nên phân tán tư tưởng, phần nào ảnh hưởng đến công việc. Trung tướng Lê Nam Phong trăn trở, rồi trực tiếp gặp gỡ, động viên, nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ. Biết được nguyên nhân “căn bệnh tư tưởng”, ông đã đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả thông qua công tác chính sách, giải quyết việc làm cho vợ cán bộ, giáo viên và bàn cách chăm lo đời sống cho gia đình quân nhân, đầu tư phát triển khu gia binh, xây dựng trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo… Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn, “bệnh tư tưởng” trong một số cán bộ, giáo viên nhà trường được khắc phục nhanh chóng, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Trung tướng Lê Nam Phong tâm đắc: “Thời nào cũng vậy, làm tư tưởng cho bộ đội không nên sáo mòn, hình thức mà phải linh hoạt, có tâm, sát thực tiễn mới khơi dậy được sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi cán bộ, chiến sĩ vì nhiệm vụ chung”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - ĐOÀN TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/lam-tu-tuong-phai-thiet-thuc-co-tam-605924