Làm việc bằng trái tim sẽ đến được với trái tim
Kính tặng anh Trần Công Dũng, Bùi Minh Tùng, Trần Vinh (đã mất) nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)
Năm 1976, sóc Bom Bo, xã Đắk Nhau, huyện Phước Long (nay là huyện Bù Đăng), tỉnh Bình Phước là xã “trắng” về giáo dục. Để xây dựng và phát triển trường, lớp ở nơi này, huyện đã vận động giáo viên vào giảng dạy. Là giáo viên trẻ (18 tuổi), lại mê địa phương này qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng nên tôi xung phong vào đây. Đợt đầu này có 4 thầy: Trần Công Dũng (hiệu trưởng), Bùi Minh Tùng, Trần Vinh (nay đã mất) và tôi.
Lúc này, muốn đi vào sóc Bom Bo phải đi đường vòng qua xã Minh Hưng (Bù Đăng) khoảng 75km. Đường sá chủ yếu là đường mòn, cực kỳ xấu, thêm nữa là mùa mưa nên đường trơn trợt khủng khiếp. Chúng tôi ngồi trên chiếc xe Jeep cứ nghiêng ngả, xàng xê muốn văng ra ngoài. Khi đến cầu Đắk Lấp, xe bị lún nên chúng tôi phải cùng nhau khiêng đẩy xe qua sông. Nhờ sức đẩy của nước và xe cũng nhẹ nên chúng tôi qua được, vào đến sóc Bom Bo đã hơn 7 giờ tối. Anh Điểu Lên, Trưởng sóc tiếp và đãi cơm chúng tôi. Một bữa cơm ngon chưa từng thấy vì được ăn cơm trắng có thịt rừng nướng, canh mướp rẫy. Ngay ở tại huyện, tôi cũng chưa được ăn ngon như vậy.
Sáng hôm sau, chúng tôi được một thanh niên người dân tộc thiểu số dẫn đi bộ đường mòn lên xã để báo cáo. Tôi là người yếu nhất đi sau cùng nên dọc đường con vắt bị người đi trước khuấy động, đã cắn từ chân lên đầu tôi. Khi đến xã thì bộ quần áo của tôi thấm đầy máu. Anh Ba Chẳng, Chủ tịch xã phải cho tôi một bộ đồ bộ đội để đi về.
Sau hôm đó, chúng tôi về vận động học sinh, học viên ra lớp và bắt đầu giảng dạy. Tôi được phân công dạy lớp 1 phổ thông và 2 lớp xóa mù chữ cho thanh niên, người già nơi đây.
Ban đầu, học sinh đến rất đông. Thế nhưng dần dà, sĩ số giảm dần do học sinh không biết tiếng Kinh nên khó tiếp thu bài. Tuy nhiên, tôi phát hiện ra một điều là học sinh dân tộc thiểu số rất thích học hát. Trong khi, tôi không biết hát, lại thêm giọng Quảng Nam còn cứng nên có hát cũng dở. Đồng thời, tôi cũng chỉ biết một số bài hát thiếu nhi, thế là tôi tập hát. Vì biết ít bài hát nên tôi chỉ dạy mỗi ngày một vài câu, bởi để dành nhằm dụ học sinh. Và cách này đã mang lại hiệu quả, học sinh rủ nhau đi học đều trở lại.
Một điểm khác là học sinh đến lớp nhưng mặt vẫn lem luốc, có em còn không rửa mặt. Thấy vậy, trước khi vào lớp, tôi lấy nước rửa mặt cho học trò sạch sẽ. Các em thấy mát mẻ nên học tập hưng phấn hơn. Lúc này, đời sống của người dân nơi đây cực kỳ khó khăn. Học sinh dân tộc thiểu số có em không có áo để đi học, em có áo thì rách, sút chỉ, đứt nút. Giờ ra chơi, tôi giúp các em khâu lại, tuy xấu nhưng các em rất thích.
Những việc làm đó khiến thầy trò chúng tôi gần gũi, thân thiết nhau hơn. Những ngày chủ nhật, các em rủ tôi ra rẫy hái mướp, dưa, bắp, bí đỏ, chuối… về bổ sung vào thức ăn hằng ngày.
Do nhà tôi rất khó khăn nên tôi xin anh hiệu trưởng mỗi tháng về Phước Long một lần và nhờ các thầy khác dạy hộ. Khi vào lại, thấy sĩ số học sinh vơi nhiều, tôi tiếp tục đi vận động và với cách làm ấy, học sinh lại đến với tôi. Đặc biệt, mỗi lần sau khi trở lại trường, tôi mua cho mỗi em một viên kẹo sọc xanh, sọc đỏ nên các em rất thích.
Với cách làm ấy, tôi luôn giữ vững sĩ số học sinh trong suốt thời gian dạy học tại đây. Ai đã từng dạy học sinh dân tộc thiểu số thời bao cấp sẽ hiểu việc giữ vững sĩ số là điều kiện tiên quyết để bảo đảm chất lượng.
Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi kể chuyện này với đội ngũ giáo viên của huyện, các em bảo tôi kể chuyện cổ tích và không tin. Thế nhưng thật ra, ai cũng biết rằng: Khi làm việc bằng trái tim sẽ đến được với trái tim. Và tôi muốn nói điều đó khi ghi lại câu chuyện này.
Hồ Kim Công