Làm việc tại trạm thu phí có phải công việc nặng nhọc, độc hại?

Ông Nguyễn Dũng Minh (TPHCM) và một số nhân viên làm việc tại trạm thu phí giao thông (làm việc ở làn xe và trong văn phòng). Ông Minh hỏi, ông và các nhân viên có được tính làm việc trong môi trường độc hại không?

Nghề, hoặc công việc “soát vé, điều hành xe tại các trạm thu phí cầu, đường, bến phà” thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Nghề, hoặc công việc “soát vé, điều hành xe tại các trạm thu phí cầu, đường, bến phà” thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Nếu ông và các nhân viên được coi là làm việc trong môi trường độc hại thì công ty có phải tăng thêm tỷ lệ đóng BHXH không? Công ty có cần khai báo hay làm thủ tục gì để sau này nhân viên được hưởng chế độ khi làm việc trong môi trường độc hại hay không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định của pháp luật về tiền lương, BHXH, trường hợp ông Minh trực tiếp làm nghề, hoặc công việc “soát vé, điều hành xe tại các trạm thu phí cầu, đường, bến phà” thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được hưởng các chế độ, chính sách về tiền lương đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Căn cứ các quy định của pháp luật về tiền lương và BHXH, BHYT, BHTN; tổng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN hiện nay là 32% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN; trong đó, người sử dụng lao động đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5% (đối với trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP; có văn bản đề nghị được đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn và được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận thì được áp dụng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN là 31,8% trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN; trong đó người sử dụng lao động đóng 21,3%, người lao động đóng 10,5%).

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động được quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiền lương phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Đề nghị ông Minh và công ty đối chiếu các quy định nêu trên để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH theo đúng chức danh nghề, công việc đảm nhiệm và đóng BHXH, BHYT, BHTN để bảo đảm quyền lợi cho mình theo đúng quy định.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/lam-viec-tai-tram-thu-phi-co-phai-cong-viec-nang-nhoc-doc-hai/413042.vgp