Làm việc trái ngành, trái nghề: Lựa chọn không dễ dàng

Với những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhiều người lao động đã lựa chọn công việc trái với ngành, nghề được đào tạo.

Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh song hiện tại, Lê Ngọc Thùy Trang (bên trái) lại lựa chọn làm công việc ở lĩnh vực truyền thông. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh song hiện tại, Lê Ngọc Thùy Trang (bên trái) lại lựa chọn làm công việc ở lĩnh vực truyền thông. Ảnh: NVCC

Dù quyết định này đã đem tới những cơ hội, song người lao động cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định.

Lựa chọn “đá chéo sân”

Làm trái ngành là thực trạng đã tương đối phổ biến với thị trường lao động tại Việt Nam. Thế nhưng, khi thị trường việc làm ngày càng trở nên cạnh tranh như hiện nay, để giành được cơ hội tốt thì các ứng viên không chỉ cần kỹ năng mà còn cần phải có chuyên môn, năng lực thực sự. Bởi vậy, khi lựa chọn làm trái ngành nghề được đào tạo, chắc chắn người lao động sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn.

Lê Ngọc Thùy Trang (25 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) theo học ngành quản trị kinh doanh ở bậc đại học. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp, Thùy Trang không quyết tâm phải chọn bằng được nghề theo ngành học được đào tạo mà lựa chọn làm nhân viên truyền thông tại một công ty phát triển phần mềm học tiếng Anh.

Thùy Trang cho biết, chọn công việc này vì mức lương cao. Ngoài ra Trang không thật sự yêu thích ngành đã học trước đó. Cụ thể, khi đăng ký nguyện vọng, Trang chọn ngành học quản trị kinh doanh khi mà (thời điểm đó) chưa xác định được điểm mạnh, yếu cũng như mong muốn của bản thân.

“Thấy ngành quản trị kinh doanh khi đó khá “hot”, điểm đầu vào lại không quá cao nên mình đã lựa chọn đăng ký nguyện vọng 1. Thực tế khi đó mình không dành nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành học ấy. Khi vào học rồi mình mới cảm thấy bản thân không phù hợp”, Thùy Trang nuối tiếc kể lại.

Tương tự, anh Dương Ngọc Sơn (28 tuổi, quê Hải Dương) cũng là một trong những người làm công việc trái với ngành, nghề đào tạo. Anh Sơn cho biết, theo học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Trong quá trình thực tập, anh Sơn đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc. Tuy nhiên, sau đó anh tìm được một công việc khác với mức lương cao hơn nên đã từ bỏ công việc đúng ngành nghề đào tạo. Quyết định “rẽ ngang” sang một hướng đi hoàn toàn mới với anh Sơn không hề dễ dàng gì..

Theo anh Vi Văn Thiệu (30 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội, trưởng nhóm marketing của một công ty cung ứng vận chuyển), đội nhóm của anh có tất cả 8 người, trong đó chỉ có 5 người học đúng ngành. Các thành viên khác, có người học ngành luật, du lịch, quản trị kinh doanh. Họ buộc phải làm trái ngành nghề được đào tạo là vì gặp khó khăn trong quá trình tìm việc đúng ngành nghề, vì thu nhập không đủ sống nếu làm công việc đúng ngành học.

“Công việc của chúng tôi là chạy quảng cáo. Mức lương hiện tại của chúng tôi được xem là ổn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, công việc này yêu cầu chuyên môn khá cao. Chúng tôi đang cần người nên đã nhận một số bạn chưa có chuyên môn vào để đào tạo. Nếu đánh giá trên phương diện khác thì có thể thấy, các bạn trẻ khi ra trường cũng sẵn sàng làm công việc trái ngành, nghề khi có cơ hội nhận được mức lương cao”, anh Thiệu nhận định.

Cần sự định hướng đúng đắn

Thực tế, khi lựa chọn làm trái ngành được đào tạo, người lao động sẽ phải chấp nhận đánh đổi về thời gian cũng như sự cố gắng để tiếp cận một lĩnh vực mới. Bên cạnh đó, mức thu nhập có thể sẽ thấp hơn so với các ứng viên được đào tạo đúng ngành, đúng nghề.

Anh Vi Văn Thiệu cho biết, đối với những nhân viên học đúng ngành, có năng lực, chuyên môn vững vàng thì dù vừa ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm thì vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức lương 17 triệu đồng/tháng. Còn các ứng viên với kiến thức chuyên môn vẫn là “tờ giấy trắng”, doanh nghiệp sẽ phải mất khoảng 6 – 7 tháng “cầm tay chỉ việc” thì mức lương được đề xuất chỉ đến 8 triệu đồng/tháng.

Lê Ngọc Thùy Trang cho biết, đang theo học một khóa đào tạo marketing bài bản trong vòng 2 năm. Lý do, Trang hoàn toàn không “bắt nhịp” được các kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực trái nghề được đào tạo. Tuy được đồng nghiệp và cấp trên nhiệt tình chỉ dạy trong quá trình làm việc, song Trang vẫn cảm thấy tự ti vì bản thân không được nhanh nhạy, còn nhiều thiếu sót, thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng cơ bản. Bởi vậy, ngoài giờ đi làm, Thùy Trang đã phải dành thời gian học thêm kiến thức để bù lấp lỗ hổng chuyên môn.

“Mỗi tuần tôi dành ra 3 buổi đi học. Công việc và lịch học tập kín mít khiến tôi khá bận rộn và không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, giải trí. Không ít lần tôi ước gì khi xưa xác định được đúng hướng, chọn đúng ngành học thì đỡ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Đầu tư đúng đắn cho việc học sẽ phục vụ tốt và đáp ứng được công việc hiện tại”, Thùy Trang tâm sự.

Cũng theo Thùy Trang, lựa chọn đi học của cô còn hướng tới mục đích lâu dài. Bởi, những nhân viên học trái ngành ít có khả năng thăng tiến trong công việc hơn so với những người học đúng ngành.

Mất thời gian, công sức để tiếp cận một ngành nghề mới, nhiều lao động làm trái ngành cho rằng, đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác để học hỏi và bù đắp chuyên môn lẫn kỹ năng cho công việc mà họ đang thiếu. Thậm chí nhiều người cho biết, vì không bắt nhịp kịp công việc nên chán nản, thấy bản thân kém cỏi và muốn từ bỏ.

Không thể phủ nhận, trước xu hướng đa nhiệm, đa ngành nghề như hiện nay, các bạn trẻ tốt nghiệp ra trường có thể nhanh chóng lựa chọn một công việc, để có nguồn tài chính duy trì cuộc sống. Tuy nhiên thực tế, lựa chọn việc làm đúng ngành, nghề đã học vẫn là điều nên làm. Bởi, khi người lao động lựa chọn làm trái ngành, đảm nhận công việc chưa thật sự phù hợp với lĩnh vực được đào tạo, khó khăn sẽ là điều dễ thấy.

Làm việc đúng ngành, nghề đào tạo sẽ tránh mất thời gian, giúp người lao động phát huy những kiến thức được học, tận dụng tất cả các kỹ năng được tích lũy từ khi còn trên ghế nhà trường.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-viec-trai-nganh-trai-nghe-lua-chon-khong-de-dang-post691949.html