LÀM VIỆC VÀ CHỐNG DỊCH
Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, sự tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đến phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) là rất lớn. Rõ ràng nhất là dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc giải quyết, điều hành công việc, làm ngưng trệ nhiều hoạt động sản xuất, xuất khẩu... dẫn đến giảm thu nhập của cá nhân, giảm chỉ tiêu kinh tế của nhiều quốc gia...
Điều nguy hại nữa là dịch Covid-19 gây ra tâm lý lo ngại trong xã hội mỗi khi nghe tin nơi này, nơi kia có người lây nhiễm bệnh, khiến cho sự e dè, cảnh giác trong mỗi cá nhân tăng cao, làm ảnh hưởng đến hành vi, hành động xã hội.
Trong thực tế xã hội hiện nay đang xảy ra mấy nhóm, luồng tư tưởng chủ yếu về phòng dịch Covid-19: Một là nhóm phòng dịch tích cực, tức là làm đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng về công tác phòng, chống dịch (PCD), như: Đeo khẩu trang khi ra đường, khi tiếp xúc công cộng, rửa tay sát khuẩn thường xuyên... Nhóm thứ hai là phòng dịch thái quá, tiêu cực, đi đâu, làm gì cũng lo ngại sẽ bị nhiễm bệnh, dẫn đến không dám tiếp xúc, không dám đi lại, hoạt động, làm việc... Đây là nhóm còn hạn chế trong hiểu biết về dịch bệnh và cách phòng, chống. Nhóm thứ ba là chủ quan, lơ là trong công tác PCD, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không áp dụng các quy định về giãn cách, vẫn vô tư tụ tập đông người, thậm chí trốn tránh cách ly dù đi về từ vùng có dịch... Tồn tại cùng lúc cả 3 nhóm, luồng tư tưởng nêu trên, khiến việc PCD của chúng ta gặp phải lực cản và làm giảm hiệu quả của các giải pháp có tính đồng bộ mà cơ quan chức năng đã đưa ra, đã áp dụng.
Thế nên để PCD hiệu quả thì cần phải thống nhất về nhận thức trong toàn dân, phải làm cho từng cá nhân hiểu rõ về dịch bệnh và tích cực hưởng ứng các biện pháp PCD khoa học, chủ động. Bên cạnh công tác giáo dục, tuyên truyền thì cần có biện pháp cưỡng chế đối với những người vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Tức là các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm về mang đeo khẩu trang, vi phạm về quy định giãn cách, vi phạm quy định về cách ly tập trung... Vì chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm hành chính nên ở các địa phương hiện vẫn còn nhiều người không mang đeo khẩu trang khi ra đường, khi tiếp xúc công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.
Biết sự nguy hại của dịch bệnh để cảnh giác là điều cần thiết, tuy nhiên không thể để dịch bệnh ảnh hưởng đến các hoạt động, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực tế là đến nay vẫn chưa có nước nào dám khẳng định dịch Covid-19 đã được khống chế hoàn toàn. Bởi vì hai yếu tố chính để khống chế dịch là vaccine và thuốc đặc hiệu điều trị vẫn chưa chính thức sử dụng trong thực tiễn. Do đó, việc PCD cần phải được thực hiện song song với việc thực hiện các nhiệm vụ, tuyệt đối không để dịch bệnh làm ngưng trệ các hoạt động lao động sản xuất, phát triển KT-XH, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục rà soát lại kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của mình, những gì đã làm được thì rút kinh nghiệm, nhân rộng các biện pháp tích cực; những gì chưa làm được thì cần xem xét, tìm mọi giải pháp để thực hiện. Tuyệt đối không bỏ sót nhiệm vụ, hoặc giãn, hoãn nhiệm vụ một cách thụ động.
Thời gian của năm 2020 không còn nhiều, chúng ta muốn hoàn thành các chỉ tiêu về KT-XH đã xác định thì phải thực sự tích cực, sáng tạo và khoa học. Chống dịch và lao động sản xuất, phát triển KT-XH là hai nhiệm vụ kép quan trọng như nhau, không thể coi nhẹ nhiệm vụ nào. Trong chiến tranh, cả nước đã thực hiện “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng” và cả dân tộc đã hoàn thành các nhiệm vụ đó một cách vẻ vang. Ngày nay, dịch Covid-19 có thể gây ra những khó khăn nhất định, nhưng dù có khó khăn đến mấy, nếu như từng cá nhân, từng tổ chức quyết tâm hành động thì chúng ta vẫn tìm được giải pháp hợp lý để giải quyết công việc, hoàn thành cả hai nhiệm vụ phòng, chống dịch và phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/lam-viec-va-chong-dich-633476