Làm 'vú em' của con
Nhiều gia đình có điều kiện muốn cho con đi du học. Nếu từ nhỏ luôn làm thay mọi việc cho con, cha mẹ sẽ khó lòng yên tâm khi đứa trẻ xa nhà.
Muốn yên tâm, khi con đã biết cách làm, hãy chỉ ngồi “ngắm” kết quả chứ đừng lao vào làm thay.
Biến bản năng thành kỹ năng
Theo Thạc sĩ Lê Lan Anh – Chuyên gia Tâm lý Viện Nghiên cứu tâm lý con người, bản năng sinh tồn có từ khi sinh ra. Nhưng muốn trở thành kỹ năng phải được giáo dục, rèn luyện và quá trình đó không phải ngày một ngày hai.
Có được bản năng sinh tồn, con người sẽ phát huy thành kỹ năng sống. Điều đó không chỉ giúp ích cho trẻ mà còn theo đến cả cuộc đời của mỗi người.
Đôi khi, cùng một tình thế cấp bách, một hoàn cảnh nguy hiểm, có người biết cách thoát ra còn có người lại thiệt mạng. Sự khác nhau có khi chỉ đơn giản là một bước chân chạy, một sự bình tĩnh phán xét trong giây phút. Vì thế, các bậc cha mẹ cần hiểu rõ độ tuổi cho con tự lập phù hợp.
Thạc sĩ Lê Lan Anh cho biết thêm, thông thường, chẳng có bố mẹ nào muốn con mình vất vả, nên nếu có thể giúp được gì cho con, cha mẹ sẽ cố gắng làm bằng được. Thế nhưng, khi con còn nhỏ đã làm hộ con mọi việc, thậm chí trả lời thay con vì nghĩ con còn bé, cha mẹ đã khiến con mình không thể phát triển tích cực, khỏe mạnh và quảng giao được.
Tùy từng độ tuổi, cha mẹ có thể cho con tự lập phù hợp với lứa tuổi đó. Ví dụ, khi con biết nói, hãy để con tự trả lời khi được hỏi đến. Nếu con nói chưa tốt, không nên vì muốn con tự lập mà mặc kệ, hãy đồng hành, uốn nắn con. Có như vậy, hiệu quả của tự lập mới phát huy được.
Dạy trẻ không phải là dễ, đôi khi gò ép khuôn mẫu, bắt con phải làm đúng như người lớn mong muốn, khiến con cảm thấy chán nản. Đồng thời, cha mẹ đã vô tình tạo cuộc sống đầy căng thẳng, áp lực và thiếu tự tin cho con trẻ. Thế nhưng, nếu buông tay, thả con ra sống theo cách mà con muốn cũng phải là bài học tốt về tự lập.
Thạc sĩ Lê Lan Anh đưa ra lời khuyên: Tốt nhất, cha mẹ hãy đồng hành cùng con, mỗi độ tuổi cần hướng cho con làm việc phù hợp. Trẻ nhỏ có thể gấp quần áo, chăm sóc động vật cùng cha mẹ, dọn bàn ăn…
Ban đầu, cha mẹ hãy làm cùng trẻ, khi con thành thạo rồi mới “buông”. Người lớn cũng cần đảm bảo rằng khi con đã biết cách làm, hãy chỉ ngồi “ngắm” kết quả chứ đừng lao vào làm thay.
Sẵn sàng làm “ô sin” trong mọi lĩnh vực
Hiện, rất nhiều gia đình có điều kiện đều muốn cho con đi du học. Nếu làm thay con tất cả mọi việc, là một osin cho con, cha mẹ sẽ khó lòng yên tâm nếu con đi học xa nhà.
Vì vậy, hình thành và rèn luyện tính tự lập từ sớm thì năng lực ấy sẽ vững vàng và hiệu quả lâu bền. Câu chuyện về Trần Minh Thuận từng 2 lần đoạt giải Toán quốc tế từ Đại học Waterloo của Canada (lớp 10 và lớp 11), lọt top 25 thế giới từng vang danh ở Trường Concordia (Hà Nội).
Thuận là đồng sáng lập Concordia International Research |Conference in Hanoi - hội thảo nghiên cứu quốc tế chỉ dành cho học sinh THPT… Nam sinh này đang học tại Trường Duke University (Mỹ) với học bổng toàn phần trong 4 năm.
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở đất Hà thành, nhưng mẹ của Trần Minh Thuận, chị Phan Thúy Phương cho rằng: Nếu chọn làm ô sin cho con, hãy là một ô sin hiểu biết.
Thành công của Trần Minh Thuận không chỉ là nỗ lực của bản thân nam sinh này mà là sự hi sinh lớn lao của người mẹ. Chị luôn đóng vai trò là người bạn của con, là chuyên gia cho con nhưng lại là một khán giả đứng từ xa quan sát.
Khi con còn nhỏ, chị sẵn sàng làm một ô sin chăm sóc con. Dự định sẽ cho con đi du học xa nhà, chị Phương cũng tính toán việc con trai cần tự lập cao hơn trong mọi sinh hoạt.
Từ năm lớp 8, chị đã cho con học một khóa học đi rừng. Con sẽ được học về kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm, nấu nướng trong điều kiện khó khăn để sống sót, phân biệt đồ ăn được và không ăn được… Sau khóa học đó, con trai chị đã trưởng thành hơn và khả năng thích nghi cao với mọi điều kiện sống, không ngại khó, ngại khổ.
Năm con học lớp 10, chị bắt đầu để Thuận vào bếp nấu nướng, lo việc nhà và sắp xếp mọi thứ theo trật tự. Đứng quan sát con, chị cảm thấy yên tâm nếu con du học ở một nơi xa xôi.
Chính cách dạy dỗ của chị đã khiến con trai tự lập sớm, trưởng thành hơn và đến ngày du học, chị không cần dặn dò hay “nhồi nhét” vào đầu con về chuyện ăn ở như thế nào, bạn bè ra sao, cách tiêu tiền hợp lý… Bởi cả một quá trình dài, chị đã xác định đúng và giờ chỉ “ngắm” những thành quả của con.
Bận công việc kinh doanh, nhưng chị vẫn đồng hành trong từng bước đi của con. Nói về kinh nghiệm để con đạt được thành công, chị Phương chia sẻ: “Tùy từng độ tuổi của con mà cha mẹ có cách dạy phù hợp. Khi con nhỏ, tôi mong con có thể thích nghi với mọi điều kiện sống. Điều này giúp con có thể đi bất cứ đâu mà cha mẹ vẫn yên tâm.
Khi con lớn hơn, tôi để con thoải mái bày tỏ quan điểm sống cũng như suy nghĩ của mình, rồi cùng thảo luận, trao đổi, phân tích với con. Khi con chuẩn bị du học, tôi lại cùng con tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc, chính trị của nước Mỹ…
Thậm chí, hai mẹ con còn học cả những điều nên tránh khi sống ở Mỹ. Sang đó, con trai tôi hòa nhập rất nhanh chóng”.
Chị Phương cho biết thêm, cha mẹ cần chuẩn bị sớm và lắng nghe ý kiến của con thay vì đến ngày lên đường mới dặn dò lý thuyết, con không có thời gian để thực hành.
Thêm nữa, việc quan trọng nhất là quan tâm tới các kiến thức văn hóa, xã hội của đất nước mà con du học. Muốn vậy, cha mẹ hãy cùng tìm hiểu với con, rồi thường xuyên tranh luận, thảo luận những vấn đề này. “Như vậy, nếu nhiều người coi tôi như một ô sin của con cũng không sai, nhưng tôi chọn là một ô sin hiểu biết” – chị Phương nói.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/lam-vu-em-cua-con-RbT4ZalMR.html