Lấn chiếm trái phép hành lang an toàn đường sắt

Trên tuyến đường sắt Bắc Hồng-Văn Điển thuộc địa bàn TP Hà Nội, nhiều vị trí hành lang an toàn giao thông bị lấn chiếm trái phép. Lỗi vi phạm phổ biến là xây dựng công trình ngay sát chân đường sắt.

Đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường cho biết, hành vi này đã diễn ra lâu nay nhưng không bị xử lý vì phụ thuộc vào chính quyền địa phương, trong khi, những vị trí bị lấn chiếm đang ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu.

 Hành lang an toàn đường sắt tuyến Bắc Hồng-Văn Điển (Hà Nội) bị bãi trông xe tự phát lấn chiếm trái phép.

Hành lang an toàn đường sắt tuyến Bắc Hồng-Văn Điển (Hà Nội) bị bãi trông xe tự phát lấn chiếm trái phép.

Tuyến đường sắt Bắc Hồng-Văn Điển theo thiết kế là đường đôi, trong đó đường khổ 1.000mm đang được khai thác, đường khổ 1.435mm chạy song song vẫn chưa hoàn thành, một số đoạn chỉ có nền đường. Có mặt tại vị trí Km19+530 tuyến đường sắt Bắc Hồng-Văn Điển, theo quan sát của chúng tôi, ngay trên nền đường sắt khổ 1.435mm đã "mọc" lên bãi trông giữ phương tiện tự phát. Tại vị trí này, người dân tự ý đổ đất, san gạt, dựng hàng rào và đặt container trên nền đường sắt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông đường sắt. Điều đáng nói, từ tháng 6 đến tháng 9-2019, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Thái, đơn vị quản lý tuyến đường sắt Bắc Hồng-Văn Điển đã nhiều lần kiểm tra và lập biên bản vi phạm nhưng hành vi lấn chiếm vẫn diễn ra. Cũng trên tuyến đường sắt này, tình trạng hành lang an toàn bị lấn chiếm diễn ra công khai ở vị trí Km11+950 đến Km12+150 thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Tại đây, có thể dễ dàng quan sát thấy hàng rào tôn dựng sát chân đường ray. Khu vực này, Công ty Xe điện Hà Nội (bến xe buýt Nam Thăng Long) đã tự ý đổ đất, san gạt làm sân bãi tập kết phương tiện giao thông.

Là đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường sắt Bắc Hồng-Văn Điển, đại diện Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Thái cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay xuất phát từ việc công ty không có chế tài để xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Thái, đất nằm trong hành lang an toàn đường sắt có phạm vi khá rộng, trải dài trên nhiều ki-lô-mét, do quá trình đô thị hóa ở dọc hai bên đường sắt, nhiều vị trí có lợi thế về kinh doanh đã bị lấn chiếm. Các công trình đưa vào khai thác nằm trong hành lang an toàn đường sắt chủ yếu là bãi gửi xe, trông giữ phương tiện. "Khi phát hiện ra hành vi lấn chiếm, chúng tôi đã nhiều lần thông báo với chính quyền địa phương cũng như báo cáo cơ quan chức năng để tổ chức cưỡng chế, giải tỏa. Tuy nhiên, việc cưỡng chế, giải tỏa vi phạm chúng tôi không được phép mà thuộc về quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương", ông Nguyễn Đức Tuấn bày tỏ.

Theo quy định tại Nghị định số 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hành lang an toàn giao thông đường sắt phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông. Do vậy, việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu, nhất là khi xảy ra tình huống, sự cố bất ngờ. Pháp luật đã có quy định cụ thể của các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ kết cầu hạ tầng đường sắt, trong đó có trách nhiệm của cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn.

Bài và ảnh: BẢO LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/lan-chiem-trai-phep-hanh-lang-an-toan-duong-sat-603386