Lận đận nghề xe ôm truyền thống

Khoảng hơn chục năm về trước, nghề xe ôm truyền thống mang lại thu nhập khá cho nhiều người. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình xe công nghệ, nghề xe ôm truyền thống giờ dần mất đi chỗ đứng. Dù vậy, vì gánh nặng mưu sinh, nhiều người vẫn lay lắt bám trụ với nghề, mong kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Một thời “hoàng kim”

Ở thành phố, không khó để bắt gặp hình ảnh những người chạy xe ôm đứng chờ khách dọc các tuyến đường, nhất là khu vực bến xe, bệnh viện, chợ… Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người chạy xe ôm truyền thống thường có tuổi và thâm niên tuổi nghề hàng chục năm.

Gắn bó với nghề xe ôm gần 20 năm, ông Nguyễn Văn Tân, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Tôi từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, sau đó trở về địa phương hưởng chế độ bệnh binh mất sức. Sức khỏe suy giảm, con cái cần tiền ăn học nên tôi đã mua chiếc xe máy để làm nghề chạy xe ôm kiếm sống.

Thời ấy, phương tiện di chuyển ít, taxi, xe buýt chưa thông dụng nên nhiều người lỡ chuyến, lỡ việc, xa mấy cũng đi xe ôm. Nghề chạy xe ôm vì thế rất đắt khách và đem lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định”.

Cũng có thâm niên trong nghề hơn 10 năm, ông Lương Trọng Hùng, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên trải lòng: “Gia đình đông con, đất sản xuất lại không có nên tôi phải tự kiếm nghề để mưu sinh và chăm sóc gia đình. Tôi đã dành dụm tiền mua chiếc xe máy Honda Wave hơn 10 triệu đồng rồi ra khu vực bến xe Vĩnh Yên để đón khách, đến nay đã được 12 năm.

Thủa tôi mới làm nghề, chưa có nhiều dịch vụ, nên khách hàng thường xuyên lựa chọn xe ôm để di chuyển. Khi ấy, trung bình tôi kiếm được khoảng 200-300 nghìn đồng/ngày”.

Nhiều người cho rằng nghề xe ôm là công việc khá đơn giản, dễ kiếm thu nhập, nhưng thực tế, nghề này đòi hỏi người lái xe phải có sức khỏe tốt, sẵn sàng dầm mưa dãi nắng, bất kể ngày đêm. Có lúc, người lái xe phải kiên trì, nhẫn nại, chấp nhận rủi ro đi trên đường và phải đồng hành với mọi đối tượng khách... Do vậy, với những người chọn nghề xe ôm, ngoài phải thuộc các tuyến đường, họ còn phải trang bị cho mình những kỹ năng phòng vệ...

Giá xăng tăng cao, thu nhập bấp bênh

Nếu như ở cái thời hàng chục năm trước, nghề chạy xe ôm cho thu nhập khá thì ngày nay, khi các loại hình dịch vụ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là xe công nghệ, xe buýt công cộng, dịch vụ taxi giá rẻ nở nộ khiến lượng khách vơi dần, “miếng cơm” của những người tài xế xe ôm truyền thống bị thu hẹp.

Hắt hiu cảnh người chạy xe ôm truyền thống trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên

Hắt hiu cảnh người chạy xe ôm truyền thống trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên

Ông Hùng chia sẻ thêm: “Như tôi bây giờ chủ yếu nhờ vào mấy tài xế chạy xe khách, khi thì họ nhờ đi lấy hàng, chở hàng hoặc mua giúp cái nọ, cái kia, nhưng cũng chỉ được một lúc buổi sáng, còn buổi chiều bến xe vắng nên không có việc. Thỉnh thoảng mới có vài người khách vãng lai nhờ tôi chở xe.

Mấy năm trước, mỗi tháng tôi còn có tiền dư đưa cho vợ, còn bây giờ chỉ đủ lo chi phí cho bản thân, chi tiêu lặt vặt. Ở tuổi 62 kiếm việc gì cũng khó, nên tôi tự nhủ thôi thì cứ cầm cự với nghề, được đến lúc nào hay lúc đó”.

Anh Nguyễn Tiến Mạnh - người chạy xe ôm trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên cũng cho biết: “Hiện nay, giá xăng tăng cao, lượng khách thưa thớt, nguồn thu nhập bấp bênh nên nhiều người đã bỏ nghề xe ôm để tìm kiếm công việc khác. Những người bám trụ đa phần đã lớn tuổi, gắn bó lâu năm với công việc, có một lượng khách quen ổn định để đảm bảo nguồn thu mỗi ngày.

Thấu hiểu được nỗi vất vả của chúng tôi, nhiều khách hàng cũng thông cảm, đồng ý với mức giá đưa ra, có khi họ còn cho thêm. Hôm nào đắt khách, tôi cũng kiếm được khoảng vài trăm nghìn đồng, hôm nào trời mưa ế khách, có khi chỉ kiếm được mấy chục, coi như lỗ tiền xăng”.

Dễ đến với nghề nhưng không dễ kiếm tiền là tình trạng chung của nghề xe ôm hiện nay. Chạy xe ôm truyền thống khá vất vả, cực nhọc. Không chỉ vậy, họ còn phải đối mặt với điều khó khăn, nhất hiện nay là trong xã hội hiện đại, khoa học phát triển kéo theo nhiều tiện ích, đặc biệt là dịch vụ xe công nghệ xuất hiện với giá cả cạnh tranh. Những người trẻ bắt kịp xu thế thì chuyển nghề, nhưng những người già, khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế sẽ khó khăn trong việc cạnh tranh khách hàng trong nghề...

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78603/lan-dan-nghe-xe-om-truyen-thong.html